Nhiều doanh nghiệp phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận

Con số trên được lấy dựa theo báo cáo thống kê của Trung tâm tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở dĩ có sự giảm sút như vậy trong năm nay là do sự dư thừa cao su toàn cầu, hàng loạt các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Malaysia đều có giá trị tiêu thụ giảm từ 30%-40%.

Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu cao su, nhưng chủ yếu là cao su thiên nhiên dưới dạng thô nên các doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khẩu cao su tổng hợp với khối lượng lớn để sản xuất. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc cả về đầu ra và đầu vào của các doanh nghiệp cao su Việt Nam.

Bên cạnh đó, do nhiều doanh nghiệp cao su còn hạn chế về thực lực nên khó có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ mà chủ yếu chỉ “chơi" với bạn hàng Trung Quốc, nên khi bị doanh nghiệp Trung Quốc ép giá, không tiêu thụ sản phẩm thì các doanh nghiệp nội “chết đứng”. Đồng thời, tình trạng thiếu đạo đức kinh doanh, gian lận chất lượng mủ trong một bộ phận người kinh doanh khiến các sản phẩm cao su của Việt Nam giảm uy tín đối với các bạn hàng, từ đó số lượng bán giảm.

Ngoài ra, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), chính sách thuế xuất khẩu hiện nay làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận khi giá bán gần sát với giá thành. Chính sách thuế giá trị gia tăng còn gây vướng mắc trong quá trình kê khai, tính nộp thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh thương mại cũng là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp cao su nội gặp phải.

Sự khó khăn được thể hiện rõ khi trong năm nay, nhiều doanh nghiệp cao su Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán đã phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm hoặc bán sản phẩm dưới giá thành. Chẳng hạn Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Thống nhất (TNC) lần lượt điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm từ 10% đến 40%. Về tình hình doanh thu, Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC), Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) cũng đã giảm 40-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR), giá bán đang ở mức dưới giá thành (khoảng 31 triệu đồng/tấn) so với giá bình quân là 38 triệu đồng/tấn.

Theo dự báo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành cao su sẽ tiếp tục dư thừa trong hai năm tới. Chính vì vậy, Cục khuyến cáo các tỉnh không tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su. Ðồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong cạo mủ để giảm giá thành.

Cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp

Trước những vướng mắc tồn tại, VRA đã từng kiến nghị với các bộ, ngành áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng mủ cao su sơ chế như những nông sản khác, không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng trong khâu kinh doanh, thương mại, và thuế giá trị gia tăng đầu vào của các doanh nghiệp cao su cung cấp mặt hàng mủ cao su sơ chế được khấu trừ toàn bộ. Đưa thuế xuất khẩu cao su trở lại mức thuế suất 0% nhằm giúp doanh nghiệp cao su Việt Nam tăng tính cạnh tranh về giá so với các nước khác trong giai đoạn giá đang ở mức rất thấp, gần sát với giá thành. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích cực đa dạng hóa sản phẩm và tìm cách tăng thị phần, mở rộng nguồn khách hàng.

Riêng Hội Cao su - Nhựa TP. Hồ Chí Minh thì đề nghị các cơ quan chức năng cần hướng dẫn làm dự án, giúp các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ. Bởi lâu nay phần lớn máy móc, nguyên vật liệu của ngành cao su - nhựa đều nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ nhưng chất lượng không bảo đảm. Nhưng nếu muốn thay thế máy móc, nguyên vật liệu từ các nước khác với chất lượng cao hơn thì lại gặp trở ngại như giá thành cao, trong khi nguồn vốn của hầu hết doanh nghiệp lại eo hẹp.

Ngoài ra, để ứng phó diễn biến bất lợi của thị trường, các doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam cần cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm thu nhập cơ bản cho người lao động, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, đồng thời tăng tốc độ tái canh bổ sung nguồn thu từ gỗ và điều chỉnh giảm sản lượng, góp phần cân đối cung cầu.

Về lâu dài, doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam cần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên đáp ứng thị trường, đảm bảo chất lượng, uy tín. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế, tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho lĩnh vực chế biến sâu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, hướng đến phát triển bền vững.

Tổng hợp từ

http://vtv.vn/kinh-te/2014-mot-nam-buon-cua-nganh-cao-su-20141226163916543.htm

http://sggp.org.vn/kinhte/2014/5/348647/

http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thi-truong-cao-su/thi-truong-trong-nuoc/doanh-nghiep-nganh-cao-su-thien-nhien-vuot-kho-bang-cach-nao.html

http://www.vietnamplus.vn/nganh-cao-su-viet-nam-doi-mat-voi-nhieu-kho-khan/250557.vnp