Ngày 23/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) đã tổ chức Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2014 và kế hoạch năm 2015.

Năm 2014 được đánh giá chung là năm thắng lợi toàn diện của ngành nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản trong đó với sự tăng trưởng cao kỷ lục khoảng 22% về sản lượng (cao nhất từ trước đến nay).

Theo báo cáo của Cục Thú y, điểm nổi bật trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong năm 2014, đối với bệnh cúm H5N1 mặc dù số ổ dịch và số gia cầm bị chết, phải tiêu hủy tăng gấp 3 lần năm 2013, tuy nhiên số gia cầm chết mắc bệnh, chết là rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,017% so với tổng đàn gia cầm trong năm của cả nước.

Hiện nay, số ổ dịch H5N1 đã qua 21 ngày và cả nước tiếp tục khống chế thành công dịch cúm gia cầm.

Đối với bệnh lở mồm long móng trên gia súc, so với năm 2013, năm 2014 dịch xảy ra trên diện hẹp, chủ yếu trên trâu, bò. Số xã có ổ dịch và số gia súc mắc bệnh giảm gần 2 lần so với năm 2013, số gia súc bị bệnh phải tiêu hủy giảm gần 7 lần.

Trong năm 2014, cả nước có tổng số 59.579 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại (gồm 28.017 ha nuôi theo phương thức quảng canh và quảng canh cải tiến; 31.562 ha nuôi theo phương thức thâm canh và bán thâm canh) do các nguyên nhân khác nhau (chiếm 8,75% diện tích nuôi tôm cả nước); bệnh trên tôm hùm xuất hiện tại rải rác tại 15.291 lồng, chủ yếu là bệnh sữa, đỏ thân, đen mang, long đầu, còi; bệnh trên cá tra xuất hiện ở 1.513 ha, chủ yếu là bệnh gan thận mủ, xuất huyết, phù đầu, ký sinh trùng, trắng gan trắng mang; tổng số có 1.096 ha diện tích nuôi ngao bị thiệt hại; và thiệt hại ở các loài thủy sản khác là 941ha.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng: Thành công trong năm 2012, 2013, 2014 về công tác phòng chống dịch bệnh, đó chính là do chúng ta chủ động giám sát, lấy mẫu giám sát ở nơi mà nguy cơ cao như các tỉnh ven biên giới, chợ đầu mối và các thị trường lớn. Chúng ta đã lấy mẫu giám sát và biết chủng lưu chuyền và biến đổi của các loại vi rút, từ đó có chỉ đạo, mua vắc xin và sử dụng vắc xin phù hợp với chủng vi rút ở các vùng khác nhau, trên cơ sở đó đã lập bản đồ dịch tễ. Từ đó phòng chống chủ động và giảm chi phí hơn.

Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiện nay vẫn còn những bất cập: Năng lực, hệ thống tổ chức bộ máy của thú y chuyên ngành có thể nói là chưa đáp ứng được tình hình hiện nay. Nhận thức trang bị cho người chăn nuôi và trồng trọt cũng như nuôi trồng thủy sản hiểu được những kiến thức cơ bản nhất và làm theo đúng quy trình, để làm sao sản xuất vừa an toàn, vừa phòng chống dịch bệnh tốt để giảm chi phí cho người sản xuất. Hiện nay chúng ta chưa chủ động sản xuất các loại vắc xin chống lại dịch bệnh nguy hiểm và thuốc thú y trong nước.

Giải quyết các bất cập này, theo Thứ trưởng, trong năm 2015, Bộ sẽ kiện toàn lại hệ thống thú y chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt là tăng cường hệ thống số cán bộ làm thanh tra chuyên ngành về thú y. Tăng cường đào tạo tập huấn và xây dựng các quy trình cũng như sổ tay hướng dẫn chi tiết cho người trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, làm sao để người dân hiểu và áp dụng được.

Bộ cũng đã thành lập ban chỉ đạo quốc gia về nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, tới đây đẩy mạnh nâng cao năng lực cơ quan nghiên cứu.

Để tiếp tục thực hiện thành công công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2015, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo, điều quan trọng nhất là tiếp tục chủ động trong giám sát dịch bệnh để ngăn chặn và phòng từ xa dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm và thủy sản, nhất là đối với các dịch bệnh cúm, tai xanh, lở mồm long móng và đặc biệt là cúm gia cầm. Những dịch bệnh có nguy cơ từ động vật trên cạn lây sang người.

Cùng với đó,tiếp tục đặt ra mục tiêu đối với gia súc, gia cầm, thủy sản làm sao dịch bệnh năm 2015 giảm hơn năm 2014, để hỗ trợ sản xuất, kết hợp những giải pháp, như: xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đấu tranh với rào cản thương mại để tăng cường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

“Thị trường tốt, dịch bệnh được giám sát và hướng dẫn tốt được quy trình cho người dân để sản xuất an toàn. Đây là mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2015”, Thứ trưởng chỉ rõ./.