Đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ thực vật năm 2014, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua, ngành Bảo vệ thực vật đã chủ động, tích cực trong công tác dự tính dự báo, ngăn chặn kịp thời sự phát sinh, gây hại của dịch hại trên cây trồng, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sản xuất nông nghiệp trong cả nước; góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng hiệu quả của sản xuất; mở cửa được thị trường xuất khẩu cho trái cây có tiềm năng sang thị trường các nước phát triển.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 230 doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, 129 cơ sở sản xuất, sang chai đóng gói thuốc và 32.649 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, 37 tổ chức hành nghề xử lý vật thể kiểm dịch thực phẩm xuất nhập khẩu.

Năm 2014, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua kiểm dịch thực vật tăng mạnh so với năm 2013 (đạt 166% so với năm 2013), trong đó, hàng xuất khẩu tăng mạnh, đạt 206,7% so với năm 2013.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng lạm dụng thuốc bảo thực vật hiện nay còn phổ biến dẫn đến chi phí cho công tác bảo vệ thực vật tăng cao; gây ô nhiễm môi trường và dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn, hiệu quả trong bảo vệ thực vật chậm được nhân rộng. Ngoài ra, công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn nhiều tồn tại, chậm được khắc phục. Còn nhiều trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, một trong những tồn tại, hạn chế lớn nhất trong công tác bảo vệ thực vật hiện nay của nước ta đó là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật an toàn sinh học còn rất thấp và biện pháp phòng chống dịch hại chủ động theo hướng IPM (phòng chống tổng hợp) sử dụng công nghệ hóa học đang còn được áp dụng rất hạn chế.

Bên cạnh đó, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng còn nhiều, do sản xuất của chúng ta rất manh mún, chính vì vậy, những người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa có hiểu biết tốt.

Bên cạnh đó, việc nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng, dẫn đến việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng này, để thực hiện Đề án Tái cơ cấu và Phát triển nông nghiệp nông thôn trong lĩnh vực trồng trọt và thực hiện năm 2015 với chủ đề “An toàn thực phẩm trong nước” ngành Bảo vệ thực vật sẽ tập trung vào một số giải pháp chính, là: Tuyên truyền, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật IPM để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Tăng cường công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường thanh tra, kiểm tra kết hợp với việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sản xuất của cộng đồng, làm sao để đáp ứng yêu cầu vừa bảo vệ tốt được sản xuất, vừa cắt giảm được thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn nâng cao được hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, cho cộng đồng, đảm bảo sử dụng an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh chỉ đạo: Trong năm 2015, cần quyết liệt triển khai tái cơ cấu ngành, nên mỗi 1 tiểu ngành, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần phải có định hướng lại, tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm và quyết liệt khi triển khai thực hiện chương trình hành động “Năm an toàn thực phẩm trong nông nghiệp” mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động../.