Theo Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, năm 2014, Tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định và cao hơn năm trước với mức tăng khoảng 8,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 33 triệu đồng, tăng 9,9% so với năm 2013; các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đến nay bình quân mỗi xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới và hiện đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trước thành quả đạt được của Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và quân dân tỉnh Cà Mau, cũng như những kết quả khá toàn diện mà địa phương đạt được , nhất là trong tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ; giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Thủ tướng đề nghị, Cà Mau phát huy kết quả đạt được, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt và vượt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tập trung lo cải thiện đời sống Nhân dân như mục tiêu đã đề ra cho năm 2015 cũng như cả nhiệm kỳ.

Đồng thời, tiến hành tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp gắn với chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới sát với điều kiện thực tế của địa phương theo hướng tập trung phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển bứt phá, vươn lên.

“Không vì chuẩn bị Đại hội, mà không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, mà phải hiểu hoàn thành tốt nhiệm vụ mới tạo được tiền đề, khí thế cho sự thành công của Đại hội các cấp. Kinh tế không phát triển, đời sống Nhân dân không được cải thiện, thì không nói, không làm được gì đâu” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Cà Mau tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của mình, mà tiềm năng, lợi thế lớn nhất, vượt trội chính là khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản, nhất là tôm.

Thủ tướng cho rằng với kim ngạch xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là tôm năm 2014 đạt 1,3 tỷ USD và địa phương có doanh nghiệp đứng thứ 9 thế giới về kinh doanh trong ngành tôm, thì có thể nói Cà Mau là tỉnh dẫn đầu về thủy sản của cả nước.

“Một kg tôm bằng 20 kg lúa, 150.000 tấn tôm của các đồng chí tương đương với sản xuất 3 triệu tấn lúa. Người dân đã lựa chọn, các đồng chí có lựa chọn không?”, Thủ tướng đặt câu hỏi đồng thời thúc giục lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển mạnh ngành nuôi tôm xuất khẩu theo hướng hình thành chuỗi giá trị đồng bộ, phát triển theo mô hình công nghiệp kết hợp với nuôi quảng canh của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm làm việc tại tỉnh Cà Mau

Để làm được, Cà Mau cần hoàn chỉnh quy hoạch ngành tôm, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng từ thủy lợi, điện, thức ăn đến xây dựng các nhà máy chế biến; đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, nhất là trong các khâu giống, kiểm soát dịch bệnh tôm.

Cùng với sản xuất thủy sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Cà Mau quan tâm đến việc khai thác và làm kinh tế rừng vì tỉnh có diện tích rừng và rừng kinh tế rất lớn.

“Nghịch lý là tiềm năng kinh tế rừng rất lớn những đồng bào sống ở khu vực này lại nghèo nhất” - Thủ tướng lưu ý và đề nghị Tỉnh căn cứ vào chủ trương của Trung ương để mạnh dạn sắp xếp, chuyển đổi các nông, lâm trường; thực hiện giao đất, giao rừng cho dân gắn với bảo vệ và phát triển rừng, từ đó vừa phát triển kinh tế, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo đảm được môi trường sinh thái.

“Đem lại thu nhập cho dân, nâng cao đời sống, từ đó giúp giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới. Lợi ích lớn như vậy tại sao chúng ta không làm?” - Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng phát triển kinh tế của chúng ta đầu tiên và trước hết chính là lo cho dân, là nâng cao đời sống người dân, là giúp dân xóa đói nghèo, là bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Trách nhiệm đó chính là của người lãnh đạo, là quá trình tổ chức thực hiện, là đội ngũ cán bộ.

Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán tổng thể tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với Cà Mau để có giải pháp ứng phó lâu dài vì theo dự báo, nếu như Việt Nam là một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước nguy cơ này, thì Cà Mau chính là địa phương sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng.

--- ** ---

Sáng 7/2/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự Lễ khánh thành cầu Năm Căn, cầu Kênh Cái Tắt, cầu Sáu Nạn, cầu Trại Lưới và thông xe kỹ thuật đoạn từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn tỉnh Cà Mau, thuộc dự án đường Hồ Chí Minh.

Cầu Năm Căn có chiều dài trên 800 m, rộng 12 m, tổng mức đầu tư gần 650 tỷ đồng và được thi công trong 18 tháng. Cầu Kênh Cái Tắt có chiều dài khoảng 440 m, rộng 12m và thời gian thi công là 24 tháng. Cầu Sáu Nạn có chiều dài 175m, rộng 12 m, thi công trong 8 tháng. Cầu Trại Lưới có chiều dài 240m, có bề rộng 12m. Cùng với các cầu trên, đoạn tuyến từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn có chiều dài 8,1 km và đang trong quá trình thi công.

Dự án đoạn Năm Căn - Đất Mũi và dự án cầu Năm Căn không những là công trình trọng điểm của dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 mà còn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và toàn tỉnh Cà Mau. Việc các công trình cầu, đường này được khánh thành và đưa vào khai thác sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh đoạn từ thị trấn Năm Căn đến Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau - mảnh đất cuối cùng cực Nam của Tổ quốc.

Đặc biệt, các cây cầu này còn mang ý nghĩa là những công trình cuối cùng nối liền Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ cực Bắc đến điểm cực Nam của đất nước.

“Có thể nói là chúng ta đi đường bộ một mạch từ mảnh đất cuối cùng này cho tới cực Bắc của Tổ quốc mà không phải qua bất cứ một chiếc phà nào, đây là một niềm vui lớn.” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Cũng trong sáng 7/2, Thủ tướng cũng đã đến dự Lễ khởi động xây dựng Nhà máy xử lý Khí Cà Mau và chào mừng vận chuyển an toàn 10 tỷ m3 khí PM3-CAA Cà Mau tại Khu Công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau tại địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy xử lý Khí Cà Mau bao gồm việc đầu tư bổ sung 37 km đường ống ngoài khơi để nâng công suất vận chuyển của đường ống PM3-Cà Mau từ 5,8 triệu m3/ngày lên 6,95 triệu m3/ngày, đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ trong cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau; xây dựng một nhà máy xử lý khí công suất 6,2 triệu m3 khí/ngày cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3000 m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm lỏng tại Khu công nghiệp Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh. Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau có tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng trên 10.000 tỷ đồng, triển khai trong thời gian 23 tháng và hoàn thành vào cuối năm 2016.

Cùng với khởi động xây dựng Nhà máy xử lý Khí Cà Mau, Tổng Công ty Khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã tổ chức Lễ chào mừng vận chuyển an toàn 10 tỷ m3 khí PM3-CAA Cà Mau. Dự án đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau là một phần của cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau; có công suất 5,47 triệu m3 khí/ngày, tương đương 2 tỷ m3/năm với tổng mức đầu tư gần 300 triệu USD. Sau nhiều cải tiến về công nghệ, công suất toàn hệ thống vận chuyển khí đã tăng lên 6,25 triệu m3 khí/ngày (bằng 114% so với ban đầu), cung cấp đủ khí cho 2 nhà máy điện có tổng công suất 1.500 MW để tạo ra sản lượng điện hàng năm khoảng 8 tỷ kWh và nhà máy đạm có công suất 800 nghìn tấn ure/năm.

Kể từ thời điểm dòng khí PM3 đầu tiên được đưa vào bờ đến hết năm 2014, Công ty Khí Cà Mau đã cấp hơn 10,86 tỷ m3 khí cho 2 Nhà máy Điện Cà Mau và Nhà máy Đạm để sản xuất hơn 2 nghìn tấn ure và hơn 50 tỷ KWh điện, chiếm 7% sản lượng điện và 40% sản lượng phân đạm của cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, việc khởi động xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý Khí Cà Mau sẽ đóng góp giá trị sản xuất hàng năm trên 5.000 tỷ đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.