Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I/2015 và nhiệm vụ trọng tâm Quý II.

Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Đinh La Thăng cho biết, so với cùng kỳ năm 2014, tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, cả nước xảy ra 5.851 vụ tai nạn giao thông, làm 2.345 người chết và 5.488 người bị thương; giảm 731 vụ (-11,11%), giảm 82 người chết (- 3,38%) và giảm 974 người bị thương (-15,07%).

Trong khi lĩnh vực hàng không và hàng hải không xảy ra tai nạn giao thông và giảm tai nạn giao thông, thì lĩnh vực đường thủy và đường sắt lại tăng. Trong quý I/2015, có 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm được số người chết vì tai nạn giao thông, đặc biệt, Đồng Nai giảm trên 50% số người chết. Tuy nhiên, vẫn có 23 địa phương để tăng số người chết do tai nạn giao thông, có 5 tỉnh tăng trên 50% là: Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Bắc Ninh, An Giang.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng cho rằng, phải xử phạt nặng hơn đối với các hành vi vi phạm giao thông để đủ sức răn đe đối với những người cố tình vi phạm. Qua đó, cùng với các giải pháp khác để từng bước giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Bởi nếu gia đình nào có người bị tai nạn giao thông thì nguy cơ nghèo đói, con em thất học luôn rình rập, hiện hữu.

Để giảm tai nạn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, trong thời gian tới, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm để kéo giảm tai nạn giao thông. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật An toàn Giao thông, kiểm tra các địa phương để xảy ra tai nạn giao thông tăng; khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; đôn đốc các địa phương đẩy mạnh siết chặt kinh doanh vận tải khách bằng ô tô...

Gắn trách nhiệm với người đứng đầu

Đối với việc kiểm soát tải trọng của các phương tiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc xử lý xe quá tải phải gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu.

“Lãnh đạo phải ra tay, vào tận bãi để xem, 3-4 giờ sáng phải ra đường xem có xe quá tải không. Bây giờ có tình trạng 3-4 giờ sáng xe ùn ùn qua các trạm cân. Như vậy là có dấu hiệu thông đồng. Tất cả sai trái đó không phải Trung ương không biết đâu. Nhiều cấp vẫn lơ là chủ quan trong xử lý an toàn giao thông, không coi đó là nhiệm vụ của mình. Tình hình rất nghiêm trọng không phấn đấu tốt khó giảm 50% tai nạn giao thông” Phó Thủ tướng nói.

Thực tế cũng cho thấy, mô hình trạm kiểm soát tải trọng xe mà lực lượng cảnh sát giao thông chủ trì còn thanh tra giao thông phối hợp, khi thực hiện mà không có sự hiện diện của cảnh sát giao thông thì đều như không làm được.

Bộ trưởng Thăng cho biết “Tất cả mô hình rời công an ra không kiểm soát được. Địa phương nào chủ tịch tỉnh, giám đốc công an, giám đốc sở giao thông vận tải trực tiếp quan tâm chỉ đạo thì không còn xe quá tải. Hiện nay một số địa phương còn xe quá tải thì chứng tỏ chủ tịch tỉnh, giám đốc công an tỉnh và giao thông vận tải chưa vào cuộc. Nếu sau cuộc họp này, các động chí thực sự vào cuộc thì trong quý II hết sạch xe quá tải”.

Do đó, ông Thăng cho rằng, cần có sự vào cuộc của lãnh đạo các địa phương mới giải quyết được tình trạng xe quá tải hiện nay.

Hà Tĩnh vốn là một tỉnh có xe quá tải nhiều nhất cả nước nhưng khi Bí thư, Chủ tịch Tỉnh đích thân xử lý xe cũng như doanh nghiệp kinh doanh xe quá tải, thì hiện nay hầu như không còn tình trạng xe quá tải trên địa bàn Tỉnh.

“Hà Tĩnh trước xe quá tải nhiều nhất nước, đến khi bí thư, chủ tịch ra đường thì hết sạch. Kinh nghiệm là bí thư, chủ tịch ra chỉ đường, chỉ đích danh các xe, các doanh nghiệp xe quá tải là hết quá tải”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, ông Thăng yêu cầu xử lý nghiêm đối với 4 đối tượng (chủ phương tiện, chủ xếp dỡ, chủ hàng và lái xe), bởi lâu nay mới tập trung xử lý lái xe vi phạm; Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét lại thời gian đăng kiểm đối với từng loại xe, đặc biệt là những xe quá tải, xe “hổ vồ”; thống kê, thông báo công khai tới các cơ quan chức năng, các địa phương tổng số xe vi phạm cơi nới, thuộc doanh nghiệp, địa phương nào?

Cụ thể hóa bằng hành động thì, ngay trong Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu các đơn vị chức năng trong Bộ, nếu để tình trạng quá tải trọng diễn ra, thì sẽ bị cách chức.

“Tôi đã giao trách nhiệm nếu cảng Hải Phòng còn để quá tải thì cách chức Giám đốc cảng. Đối với Cục Đường bộ và chi cục Đường bộ mà để xe quá tải không nắm được để đường hỏng, cầu hỏng do báo chí phản ánh thì chi cục trưởng, cục trưởng mất chức. Không gắn trách nhiệm thì còn tình trạng quá tải, còn đường hỏng, cầu hỏng”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.