Tại Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, mặc dù Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam được thành lập từ năm 2007, nhưng theo ông Tuấn, Quỹ vẫn chưa được triển khai và đưa vào hoạt động do thiếu cơ sở pháp lý và các quy định cụ thể.

Để triển khai hoạt động, Quỹ đã thực hiện dự án “Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý thực hiện Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam” do Chính phủ Vương quốc Đan Mạch tài trợ, được triển khai tại Phú Yên, Kiên Giang, Hà Nội, dự án cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất phương thức thu, định mức thu phù hợp với một số đối tượng.

Đánh giá việc thực hiện Dự án, theo ông Phạm Trọng Yên, Giám đốc Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam, cho rằng, dự án mới tập trung nghiên cứu một số ít nghề, đối tượng.

Vì vậy, cần có các nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn với chuỗi các sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm có sản lượng khai thác, nuôi trồng cao, từ đó xác định cân đối giữa các tác nhân hưởng lợi từ việc sử dụng nguồn lợi thủy sản, mức độ hưởng lợi để đưa ra mức thu, phương thức thu phù hợp với từng tác nhân.

Ông cũng đề xuất, hướng tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính khả thi triển khai Quỹ, trang bị cơ sở vật chất ban đầu cho Quỹ.

Trong quá trình nghiên cứu kết hợp điều tra hiện trạng môi trường, các thành viên tham gia Dự án cũng kiến nghị Quỹ cần có nghiên cứu, đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước các cấp để xây dựng hệ thống Quỹ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành có liên quan đến hoạt động thủy sản.

Để Quỹ sớm đi vào hoạt động, cần kiện toàn cơ quan điều hành, có biên chế và đảm bảo kinh phí hoạt động chính thức, đồng thời, nên xem xét Hội đồng quản lý Quỹ theo hướng bổ sung các thành viên từ các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo cho Quỹ hoạt động.../.