Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung trọng tâm xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Trong những năm qua, nông nghiệp đã và đang tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 70% dân cư. Nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc thể hiện ở sản lượng hàng hóa và giá trị sản xuất tăng liên tục trong một thời gian dài, xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng, như: gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm gỗ và các sản phẩm thủy sản. Trên cơ sở những điều kiện nhất định của ngành nông nghiệp, nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế của ngành được đặc biệt chú trọng.

Ông Cao Đức Phát cũng cho biết, hợp tác kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng các nước cam kết với nhau hạ thuế quan, thuế nhập khẩu. Đến năm 2018, về cơ bản trong 10 nước ASEAN và nhiều nước khác hầu hết các loại nông sản thuế bằng 0%, còn rất ít sản phẩm có thuế nhưng không cao chỉ bằng 5%. Trước tình hình này cho thấy, đây là cơ hội cho chúng ta.

Song, Bộ trưởng cũng cho rằng bên cạnh những thuận lợi là những thách thức cần phải đối mặt, chúng ta yếu nhất là các sản phẩm ngành chăn nuôi, vừa qua đã có bảo hộ mạnh cho ngành này bằng những quy định cụ thể về kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng tới đây với áp lực cạnh tranh giảm thuế khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp phù hợp, nếu không chúng ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm đó của các nước và sản xuất trong nước phải co lại. Những người nông dân có liên quan không còn cơ hội thu nhập trong những ngành này.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán 7 hiệp định thương mại tự do với các đối tác đa phương, khu vực và song phương về lĩnh vực nông nghiệp, như: Hiệp định thương mại hàng hóa Asean; Khu vực Mậu dịch tự do Asean - Trung Quốc; Khu vực Mậu dịch tự do Asean - Ấn Độ; Khu vực Mậu dịch tự do Asean - Australia; Khu vực Mậu dịch tự do Asean - Hàn Quốc; Khu vực Mậu dịch tự do Asean - Nhật Bản và Khu vực mậu dịch tự do Việt Nam – Nhật Bản.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để có được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của tiến trình hội nhập, thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, như: VietGap, GlobalGap, EuroGap… vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Đồng thời thay đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới tư duy, tập trung nuôi trồng các sản phẩm mang thế mạnh, lợi thế riêng của đất nước. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế đã gia tăng sức ép cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Nhiều ngành hàng đã phải thu hẹp sản xuất do phải đối mặt với nguy cơ canh tranh cao như: đậu tương, bông… Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh quốc gia, trình độ canh tác còn thấp và hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng và phát triển thị trường chưa đảm bảo cũng là những nguyên chính khiến các mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa tiếp cận được với thị trường thế giới.

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho biết, các thông tin về hội nhập, điều kiện, chỉ số, mức thuế, loại hàng để xuất khẩu có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thì bản thân các tỉnh, cán bộ tỉnh, chủ doanh nghiệp, người dân có rất ít. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của nông sản thấp do sản xuất tự cung, tự cấp là chủ yếu và việc truy xuất nguồn gốc cũng vẫn chưa làm được.

Cũng theo ông Nhị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp của Tỉnh chưa nắm vững các quy định, thể chế rào cản thương mại khi tham gia hội nhập thị trường, nên hàng hóa xuất khẩu không đạt yêu cầu. Tiếp cận khoa học kỹ thuật đưa vào sản xuất hàng nông sản chưa nhiều, chế biến thô, công nghệ lạc hậu.

Nhiều đại biểu các địa phương cũng chỉ ra một số hạn chế, như: môi trường chính sách thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế; hệ thống quản lý nhà nước còn nhiều bất cập như mức đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng...

Đưa ra giải pháp các đại biểu đề nghị thời gian tới, Việt Nam cần tích cực, chủ động hội nhập vào thị trường quan trọng mang tính chiến lược của khu vực và thế giới; ưu tiên nguồn vốn, tăng cường hợp tác với các đối tác lớn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đối với các hiệp định thương mại tự do FTA, mà Việt Nam đang đàm phán cần tăng thị phần, thị trường xuất khẩu nhất là khi nước ta đã xóa bỏ thuế quan, hạn chế các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông, lâm, thủy sản.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, thông tin rộng rãi, đầy đủ, minh bạch các vấn đề về tiêu chuẩn, thủ tục kiểm soát và thực thi hàng rào kỹ thuật, vệ sinh, an toàn thực phẩm theo các hiệp định FTA cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản. Tiếp tục hỗ tục trỡ về vốn, thị trường cho cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Pháp nhấn mạnh, thời gian tới, mục tiêu của ngành là phát huy toàn diện vai trò hội nhập để phát triển ngành theo các mũi nhọn như phát triển bền vững, phát triển thị trường giá trị cao, tạo môi trường bình đẳng, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Vì vậy, cần nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản, cạnh tranh doanh nghiệp, xây dựng các lực lượng tham gia các tổ chức quốc tế, cải cách thể chế quản lý bộ máy nhà nước, rà soát lại các văn bản pháp luật để có sửa đổi cho phù hợp với các cam kết... Cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hội nhập thông qua việc thông tin kịp thời và đầy đủ những nội dung mới của các hiệp định thương mại./.