Vẫn còn 27 tỉnh, thành chưa phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 36/63 tỉnh, thành phố ban hành đề án hoặc kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp và tổ chức triển khai.

Qua 2 năm triển khai Đề án tái cơ ngành nông nghiệp theo Quyết định 899, ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã phê duyệt 5 quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước, 17 quy hoạch vùng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, đối với quy hoạch trên phạm vi cả nước đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp cả nước năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch tổng thể phát triển phát triển các ngành hàng thủy sản, lúa gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, mía đường, rau quả, ngô.

Với quy hoạch vùng, hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc-Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng một số vùng.

Trên lĩnh vực trồng trọt, cùng với việc xây dựng chiến lược phát triển, ngành Nông nghiệp rà soát cơ cấu các loài cây trồng chủ lực và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường. Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống là yếu tố quan trọng trong tái cơ cấu trồng trọt.

Đến nay, các địa phương đã chuyển đổi hơn 260.000 ha đất trồng lúa không có lợi thế, hiệu quả sản xuất thấp, bấp bênh sang trồng các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn. Ổn định diện tích trồng cây cao su; đẩy mạnh tái canh diện tích cà phê già cỗi ở vùng Tây Nguyên, thâm canh điều ở Đông Nam bộ.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, công tác đổi mới và tổ chức lại sản xuất tiếp tục được quan tâm, kiểm soát. Năm 2014, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng, giá cả ở mức khá cao. Đồng thời, xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi kiểu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến; hiện có 176 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, năm 2014, ngành đạt sự tăng trưởng khá nhanh và toàn diện; độ che phủ rừng đạt 41,5%, giá trị sản xuất tăng 7,1%, đã có bước chuyển biến mới theo hướng phát triển rừng trồng cây gỗ lớn. Trên lĩnh vực thủy sản, đã rà soát và xây dựng 9 quy hoạch thủy sản, triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương; đang rà soát quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.

Bên cạnh những thành tựu, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận, việc triển khai thực hiện Đề án vẫn chưa đồng bộ. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Đến nay còn 27 tỉnh, thành chưa phê duyệt đề án hoặc kế hoạch hành động cho tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương mình.

“Kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn chưa có chuyển biến rõ, tăng trưởng ngành chưa vững chắc. Điển hình ngay trong quý I năm nay, khi thị trường biến động, thì tăng trưởng ngành lập tức xuống mức thấp nhất trong quý I của 3 năm gần đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn.

Cần có sự thay đổi từ tư duy

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, để thấy rõ được chuyển biến từ Đề án này cần có sự thay đổi và nhận thức đúng đắn từ tư duy của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định thị trường là yếu tố quan trọng. Cùng với đó phải đẩy mạnh việc tìm hiểu luật pháp, đặc biệt là các luật về thương mại cho người dân và doanh nghiệp. Trước yêu cầu của hội nhập, người dân và doanh nghiệp cần tiếp cận mạnh mẽ hơn nữa về luật không chỉ luật trong nước mà cả luật của những nước đối tác.

Thống nhất về hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu phải triển khai mạnh mẽ việc tuyên truyền. Phạm vi triển khai chương trình phải từ cấp xã trở lên, lấy nông dân làm đối tượng chính. Địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về sức ép cạnh tranh trong thời gian tới để có động lực phải tự liên kết để thay đổi quan hệ sản xuất.

Công tác thị trường phải được quan tâm hơn, đặc biệt là sự cạnh tranh và những cơ hội thị trường sắp tới mở ra. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao năng lực dự báo, thông tin cho người dân biết để định hướng sản xuất.

“Cần đẩy mạnh chế biến sâu trong sản xuất nông nghiệp, nên tập trung vào những sản phẩm có lợi thế để tăng tỷ lệ chế biến. Chỉ có thể chế biến sâu, quy mô lớn, thì chúng ta mới thực sự làm chủ các sản phẩm nông sản được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Trước đó, ngày 17/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (viết tắt là Ban Chỉ đạo), thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2020.