Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã khẳng định, chủ trương của Việt Nam là khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào nông nghiệp. Nhưng, các doanh nghiệp không thể hoạt động độc lập mà phải gắn kết với nông dân trong chuỗi giá trị. Một doanh nghiệp không thể làm việc trực tiếp với hàng ngàn nông dân và rõ ràng phải có các tổ chức là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân, đó chính là các tổ chức kinh tế hợp tác.

Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 10.204 hợp tác xã hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 52% tổng số hợp tác xã, trong đó hơn 9.000 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với tổng số thành viên khoảng 6,7 triệu người.

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã gắn kết được hoạt động sản xuất kinh doanh với phát triển ngành nghề nông thôn

Theo TS. Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hợp tác xã đã có vai trò quan trọng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã gắn kết được hoạt động sản xuất kinh doanh với phát triển ngành nghề nông thôn, tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp còn góp phần không nhỏ trong chuỗi hoạt động cung ứng các dịch vụ như giống, vật tư, phân bón, tưới tiêu, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên.

Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng, ngoài các hợp tác xã hoạt động tốt, vẫn còn nhiều hợp tác xã còn nhiều khó khăn, tồn tại, yếu kém chưa được khắc phục. Về nhận thức bản chất của tổ chức hợp tác xã thời bao cấp còn đè nặng, nhầm lẫn với tổ chức doanh nghiệp, tổ chức xã hội từ thiện.

Bên cạnh đó việc triển khai tổ chức thực hiện Luật Hợp tác xã quá yếu, không có bộ máy quản lý nhà nước chuyên trách, chuyên nghiệp, hiệu quả...

Cũng theo ông Tú, cần phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bản chất tổ chức hợp tác xã và quy định pháp luật về hợp tác xã; Cần phải kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương một cách chuyên nghiệp, tinh gọn và hiệu quả. Huy động được sự quan tâm tham gia của toàn xã hội và trên hết là phải phát huy được năng lực nội tại của hợp tác xã, tổ hợp tác.

Cung cấp thêm thông tin, TS. Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho biết, số lượng hợp tác xã nông nghiệp đã tăng từ 9.628 năm 2012 lên 10.204 hợp tác xã năm 2014.

“Thế nhưng, chỉ có 10% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả”, ông Quang nói.

Các hợp tác xã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn chậm, đến năm 2014, mới có 20% hợp tác xã đăng ký lại theo Luật và 20% hợp tác xã đã dừng hoạt động nhưng chưa chuyển đổi hoặc giải thể.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm toán hợp tác xã gần như không được thực hiện, thiếu tính minh bạch và năng lực cán bộ quản lý hợp tác xã còn yếu, trong đó 65% chủ nhiệm hợp tác xã có trình độ cấp 2 trở xuống, 12% trình độ đại học và 37% kế toán có trình độ từ cấp 2 trở xuống.

Vậy thì cần những chính sách, biện pháp nào cho hợp tác xã nông nghiệp phát triển, TS. Quang cũng đưa ra những vấn đề cần phải giải quyết, như: Những hỗ trợ để chuyển đổi hợp tác xã đúng Luật Hợp tác xã 2012; Nâng cao năng lực cho cán bộ hợp tác xã và những hỗ trợ để thúc đẩy hộ tham gia hợp tác xã nông nghiệp, gắn kết với hợp tác xã...

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong các mô hình hoạt động hiệu quả luôn phải có các hợp tác xã, tổ hợp tác làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Do đó khi bàn về các chính sách cho hợp tác xã loại này rõ ràng không thể tách rời với chính sách cho cả chuỗi sản xuất. Bộ trưởng cho rằng, giải pháp cần làm hiện nay là tìm ra cơ chế vận hành phù hợp với mỗi lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... Kinh nghiệm cho thấy hợp tác xã thành lập xuất phát từ thực tiễn khách quan mới tồn tại và phát triển được./.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 20 - 21/5, các đại biểu sẽ cùng nhau bàn thảo các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp.