Theo Báo cáo của Tổng cục Thủy sản, nhiều năm qua, ngành thủy sản nước ta đã có tốc độ phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Năm 2014, xuất khẩu thủy sản đạt 7,8 tỷ USD, nằm trong tốp 4 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.

Đóng góp vào kết quả này, một phần không nhỏ là do hoạt động khoa học công nghệ. Trong chế biến thủy sản, ngành đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ làm lạnh nước biển, bể ngâm hạ nhiệt, khay chứa đựng, các phương tiện bốc dỡ. Làm chủ công nghệ bảo quản và vận chuyển sống đối với một số loài hải sản như cá, nhuyễn thể, giáp xác, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, đặc biệt các đô thị lớn.

Trong nuôi trồng thủy sản, ngành đã chủ động nghiên cứu công nghệ sản xuất giống hầu hết các đối tượng thủy sản nuôi, như: tôm sú, tôm chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, rô phi...; đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chọn tạo đàn giống bố mẹ có tính tăng trưởng nhanh đối với cá tra, cá rô phi, tôm chân trắng, tôm sú, cá chép...

Tuy nhiên, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song hoạt động khoa học, công nghệ nhìn chung vẫn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhất là công nghệ tạo giống đáp ứng yêu cầu sạch bệnh, kháng bệnh, khả năng tăng trưởng và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao và ổn định. Vấn đề tổn thất sau thu hoạch trên tàu cá còn cao và một số sản phẩm chế biến còn ở dạng bán thành phẩm, kể cả sản phẩm của đối tượng chủ lực.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, Việt Nam xác định 4 loại thủy sản chính là tôm, cá tra, rô phi và nhuyễn thể. Nhưng, ngay cả với những đối tượng chủ lực này chúng ta cũng vẫn chưa làm chủ được công nghệ. Hiện nay, có rất nhiều kỹ thuật đang được áp dụng phổ biến trên thế giới, nhưng trong ngành đánh bắt chúng ta chưa áp dụng được.

Nước được cho là quan trọng đối với ngành Thủy sản, là môi trường, điều kiện sản xuất, yếu tố sản xuất, tuy nhiên nghiên cứu về nước chưa được quan tâm, mới chỉ thiên về nghiên cứu giống, thức ăn, bệnh tật. Khi nuôi công nghiệp, sử dụng nước sông, sẽ có nguy cơ ô nhiễm, bên cạnh đó, trong quá trình nuôi trồng thủy sản, với việc sử dụng thức ăn nhiều, vấn đề đặt ra là cặn thức ăn sẽ được xử lý như thế nào? Điều này đòi hỏi trong nuôi trồng thủy sản cần có công nghệ xử lý nước…

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, việc quan trọng nhất là Việt Nam phải điều chỉnh từ cách tiếp cận, quan điểm, tổ chức sản xuất, quản lý, hệ thống hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và quan trọng là phải có khoa học công nghệ… Chủ động nghiên cứu để có một hệ thống lâu dài, cơ chế vận hành hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần huy động tổng thể các nguồn lực nhằm tập trung thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tránh tình trạng phân tán, lãng phí nguồn lực. Phát triển khoa học công nghệ để ngành Thủy sản thực sự trở thành động lực then chốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ứng dụng có hiệu quả các công nghệ tiên tiến của thế giới, góp phần phát triển thủy sản bền vững./.