Dự án được thực hiện trên 12 tỉnh, thành phố, gồm: Cao Bằng, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An và TP. Hồ Chí Minh, lựa chọn 52 vùng chăn nuôi an toàn (GAHP); trong đó, 46 vùng đã được chấp thuận, với tổng số 11.201 hộ tham gia nhóm GAHP, đạt 117,91% so mục tiêu 9.500 hộ theo chỉ tiêu đặt ra.

Đánh giá về kết quả của Dự án, ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án LIFSAP cho rằng, Dự án đã hỗ trợ trang thiết bị an toàn sinh học cho gần 10.000 hộ chăn nuôi, chiếm 88% số hộ GAHP (khuyến khích thực hành chăn nuôi an toàn trong vùng ưu tiên); hỗ trợ sửa chữa chuồng trại cho trên 6.500 hộ thành viên GAHP (thực hành sản xuất chăn nuôi tốt) và 529 hộ hình mẫu.

Song song đó, hoạt động quản lý chất thải và nâng cấp các biện pháp an toàn sinh học được tăng cường với việc hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo chuyển giao công nghệ và hỗ trợ xây dựng hầm biogas, hố ủ phân hữu cơ và các trang thiết bị.

Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hỗ trợ cho hơn 10.000 hộ chăn nuôi cải thiện điều kiện môi trường thông qua việc hỗ trợ xây dựng gần 9.000 bình biogas. Tỷ lệ hộ chăn nuôi được hỗ trợ cải thiện môi trường của dự án đạt gần 94%, vượt xa mức 70% dự án đề ra đến năm 2014.

Bên cạnh đó, Dự án đã góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành vi của các hộ chăn nuôi; Các hộ đã ý thức được tầm quan trọng của GAHP đối với chăn nuôi và coi đây là mô hình chăn nuôi ít rủi ro nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự án đã giúp giảm thiểu tác động môi trường trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ đào tạo cho các hộ chăn nuôi về quy trình chăn nuôi VietGAP, tăng cường khả năng cạnh tranh cho hộ chăn nuôi nhỏ và giảm giá thành sản phẩm, thúc đẩy chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số hộ chăn nuôi các địa phương, cho rằng: quy trình này còn nhiều bấp cập, nội dung giữa các phần đôi khi còn trùng lặp; nội dung ghi chép chưa thống nhất, chi phí để chi trả cho các tổ chức chứng nhận từng nông hộ lại cao; thời hạn của giấy chứng nhận 6-8 tháng, nên khó cho vấn đề tiêu thụ, thị trường…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư và tính bền vững của dự án, ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn, đề nghị Cục Chăn nuôi cần phối hợp với các đơn vị liên quan chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho lợn, gà và quy trình đánh giá cấp chứng nhận sản phẩm chăn nuôi.

Sau khi hoàn thiện hai quy trình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xem xét, phê duyệt để thực hiện trên phạm vi cả nước./.