Tại Hội nghị, ông Jolyon Burnett, Chủ tịch Hội mắc ca Úc – nước xuất khẩu mắc ca lớn nhất trên thế giới cho biết, thị trường tiêu thụ mắc ca rất lớn, 70% lượng mắc ca tách vỏ (mắc ca nhân) được tiêu thụ ở 5 nước: Mỹ, Đức, Úc, Nhật Bản, Brazil. Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất với mắc ca chưa tách vỏ, chiếm tới 90% sản lượng mắc ca toàn thế giới.

Với nhu cầu tiêu thụ mắc ca hiện nay của thế giới, ông Burnett cho rằng, hiện có tiềm năng rất lớn cho phát triển tiêu thụ nội địa, đặc biệt là ở các nước sản xuất, như: Nam Phi, Kenya, Trung Quốc và Việt Nam. Đây là thời điểm thích phù hợp để Việt Nam bước chân vào ngành hàng hạt - là ngành hàng đang tăng trưởng rất mạnh và đang có mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục về giá.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Hà Công Tuấn cho rằng, thực tế, hơn 20 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã khảo nghiệm nhiều giống cây, song đến năm 2014 mới công nhận được 10 giống mắc ca. Nhiều giống dù trồng ở nước ngoài có hiệu quả cao, song về Việt Nam lại có hiệu quả thấp hoặc thậm chí không có quả.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng nhấn mạnh, việc phát triển trồng mắc ca cũng phải tránh được tình trạng đã lặp đi lặp lại với một số cây khác là được mùa mất giá, vì trên thế giới, nhiều nước đang phát triển nóng về mắc ca. Đặc biệt, mắc ca là cây dài ngày, lại yêu cầu bảo quản, chế biến khó khăn hơn nhiều cây khác, vì vậy nếu không tính toán kỹ sẽ tạo hệ lụy lớn và lâu dài.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đánh giá bước đầu quy hoạch, trên cơ sở quản lý và kiểm soát được nguồn gốc giống có chất lượng, đúng quy định của pháp luật. Theo đó, từ nay đến năm 2020, lượng giống này chỉ đủ để sản xuất tối đa 10.000 ha. Đây là lý do vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản hướng dẫn các địa phương chỉ trồng tối đa 10.000 ha mắc ca từ nay đến năm 2020. Bên cạnh đó, trồng cây mắc ca vẫn đang ở giai đoạn khảo nghiệm và sản xuất thử, vì vậy Bộ cũng đề nghị chỉ trồng ở những vùng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá có hiệu quả đối với cây trồng này.

Hơn nữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, muốn phát triển bền vững thì ngoài việc đảm bảo điều kiện sinh học, sinh thái, thổ nhưỡng, đất đai, cần phải thấy được quy luật cung cầu, thị trường tiêu thụ là bài toán phải cân nhắc kỹ. Đồng thời, cần có giải pháp đồng bộ liên kết theo chuỗi từ chế biến đến bảo quản, hướng dẫn điều kiện cho bà con nông dân, để làm sao tránh được việc nghiên cứu và tính toán không kỹ sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người trồng.

Trước băn khoăn này, Hiệp hội mắc ca Úc cho rằng, tuy lượng mắc ca tăng nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường đang mở rộng. Úc cũng cam kết sẽ đứng ra làm nhiệm vụ marketing, mở rộng thị trường tiêu thụ mắc ca cho các nước trồng mắc ca. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không nên chạy theo mở rộng diện tích bằng mọi giá mà phải kiểm soát chặt chất lượng đầu vào (giống). Bởi đối với tiêu thụ mắc ca, chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Tuy nhiên, để tránh những rủi ro co đối với loại cây mới này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, cần mời các chuyên gia quốc tế cho thêm ý kiến để có những quyết định cuối cùng đối với việc phát triển loại cây này.

Theo lộ trình, ngay trong năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành quy hoạch phát triển mắc ca, quy hoạch này sẽ là định hướng chính thức lâu dài cho ngành mới này.