Cơ giới hóa trong nông nghiệp thấp

Tại Hội nghị “Đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và Nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, mặc dù nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp của nước ta có tỷ lệ cơ giới hóa cao, song trình độ trang bị còn rất lạc hậu.

Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, đối với lúa đạt 2,2 HP/ha canh tác, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008, nhưng so với các nước trong khu vực và châu Á, thì của ta vẫn thấp hơn nhiều (Thái Lan 4 HP/ha, Trung Quốc 8 HP/ha, Hàn Quốc 10 HP/ha).

So với khu vực châu Á, tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến cuối năm 2013, cả nước có khoảng 600.000 máy kéo các loại sử dụng trong nông nghiệp, trong đó, máy kéo nhỏ dưới 12 mã lực chiếm 50%. Chỉ tính riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất nông nghiệp có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất cả nước, diện tích làm đất bằng máy đạt 100%, bơm tưới hơn 90%, nhưng thu hoạch bằng máy có nơi hiện cũng mới chỉ đạt khoảng 40% diện tích. Sản lượng lúa được sấy và bảo quản đúng kỹ thuật cũng rất thấp.

Toàn Vùng chỉ mới có gần 1.800 máy gặt đập liên hợp và 3.500 máy gặt xếp dãy. Tất cả các máy thu hoạch lúa này chỉ mới đáp ứng được khoảng 15% so với nhu cầu. Hệ thống sấy lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% sản lượng lúa của vụ hè thu. Số lúa còn lại phải phơi thủ công với tỷ lệ hao hụt cao.

Chính thực trạng này, hàng năm, đã gây ra những tổn thất không nhỏ cho ngành hàng sản xuất, kinh doanh lúa gạo Việt Nam. Theo đó, thất thoát lúa trong công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch là trên 3 triệu tấn lúa/năm, tương đương 760 triệu USD. Riêng tổn thất ở khâu sấy mất khoảng 970.000 tấn, tương đương hơn 230 triệu USD.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và Nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những nguyên nhân hạn chế cơ giới hóa nông nghiệp ở nước ta là năng lực nghiên cứu ứng dụng các máy phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều yếu kém. Quá trình từ nghiệm thu đề tài chuyển sang dự án sản xuất thử nghiệm thường kéo dài, nên không đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất. Điển hình như các mẫu máy gặt đập liên hợp lúa, máy thu hoạch muối và không ít đề tài khác.

Tại Hội nghị về Cơ giới hóa trong nông nghiệp, ông Vũ Anh Tuấn, Phòng Cơ điện, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối cho biết, trên thực tế, rất ít sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu xuất xứ từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp. Tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), số lượng đề tài nghiên cứu về lĩnh vực máy nông nghiệp chỉ chiếm chưa tới 15% tổng số đề tài nghiên cứu...

Trong khi đó, một số sáng chế, sáng kiến, cải tiến máy móc của nông dân được đánh giá cao, song chỉ sản xuất được ở quy mô nhỏ lẻ, đơn chiếc, chắp vá và thiếu tính tiêu chuẩn, nên giá thành cao, hoạt động không ổn định và không thể trở thành sản phẩm hàng hóa.

GS. Võ Tòng Xuân: Cơ khí hóa nông nghiệp ở nước ta chỉ gói gọn trong phạm vi "ao làng"

Theo GS. Võ Tòng Xuân, cơ khí nông nghiệp nước ta hiện nay chỉ gói gọn trong phạm vi “ao làng” với những sáng tạo của nông dân. Cơ khí nông nghiệp đang phải nhập linh kiện, thiết bị về lắp ráp, đến con ốc vít cũng phải mua và hầu như chưa sản xuất được máy móc nào phục vụ nông dân sản xuất. Đó là hệ quả của xu hướng đào tạo các ngành, nghề theo thị hiếu người dân. “Một số trường dạy cơ khí nông nghiệp, họ bỏ bớt cụm “nông nghiệp” để thu hút học viên, nhưng cũng chẳng ai mặn mà đến học. Việc dạy và học ở một số nơi cũng chỉ chú trọng vào lý thuyết, nên gặp nhiều lúng túng khi áp dụng thực tiễn. Trong khi người nông dân có thừa kinh nghiệm “dãi nắng dầm mưa” nơi đồng ruộng lại không biết lý thuyết. Hai yếu tố vốn đòi hỏi sự trung hòa lại không thể gặp nhau” - GS Võ Tòng Xuân nhìn nhận (Trần Lưu, 2015).

TS. Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cũng cho rằng: hiện nay, Nhà nước đầu tư và ưu đãi rất lớn cho ngành công nghiệp ô tô, nhưng cơ khí nông nghiệp hầu như chưa có gì. Về nhân lực lại càng thiếu và rất yếu, Đồng bằng sông Cửu Long gần như tỉnh nào cũng có trường đại học, nhưng không có nơi nào đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp (Trần Lưu, 2015).

Trước đây, cả nước có 05 trường đại học đào tạo chuyên ngành cơ khí nông nghiệp, nhưng hiện nay chỉ còn Khoa Cơ khí của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh là có chuyên ngành này.

Nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc là hạn chế trong cơ giới hóa, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định điều này tại Hội nghị Cơ giới hóa trong nông nghiệp. Ông Hòa cho rằng tuy hệ thống chính sách để phát triển ngành Cơ khí đã tương đối đầy đủ, nhưng thực tế chỉ có một số cơ chế, chính sách được triển khai, người dân và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ. Ví dụ như, chính sách nông dân mua máy, thì được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong năm đầu tiên, nhưng do cơ chế giải ngân chậm, nên nhiều chính sách không đến được với nông dân…

Mặc dù các ngành chức năng tích cực triển khai chính sách cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, nhưng có thể thấy số lượt khách hàng và doanh số cho vay còn thấp. Nguyên nhân là do việc quy định danh sách chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp hiện nay còn hạn chế.

Bên cạnh đó, lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước còn cao, hiện nay là 9,6%/ năm, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng ở mức từ 9%-10%/năm. Do không có sự chênh lệch nhiều nên chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là các doanh nghiệp) đầu tư các dự án dây chuyền máy móc, thiết bị, các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

Giải pháp là gì?

Tại Hội nghị về Cơ giới hóa trong nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, nhận định: việc nghiên cứu, đưa cơ giới hóa vào sản xuất thời gian qua chỉ mới tập trung vào một số khâu nhất định trong sản xuất mà chưa gắn theo chuỗi và các nhóm sản phẩm chủ lực.

Vì vậy thời gian tới, để đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đạt 3,2 HP/canh tác và giải quyết những bất cập trong chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục cho rà soát lại mức độ cơ giới hóa trên từng loại đối tượng cây trồng, có đề án cơ giới hóa cho từng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu đối với cơ giới hóa nông nghiệp.

Đối với địa phương, Bộ yêu cầu các tỉnh rà soát lại quy hoạch, chỉ đạo sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng lớn, nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất nông nghiệp áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho các cơ quan liên quan thành lập tổ rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, tham mưu Chính phủ và những bất cập trong chính sách để đề xuất trình Ch­­­­­­ính phủ trong thời gian sớm nhất. Bộ cũng sẽ nghiên cứu bổ sung thêm vào danh mục các thiết bị, máy nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp...

Để chính sách đi vào thực tiễn, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Trần Đức Viên cho rằng, cần phải hiện thực hóa chính sách bằng các cơ chế cụ thể, đặc biệt cho 03 vị trí quan trọng là: doanh nghiệp, nông dân, nhà nghiên cứu khi đầu tư vào khoa học công nghệ, đầu tư cho cơ giới hóa./.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2015). Hội nghị “Đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngày 12/6, tại Hà Nội
2. Trần Lưu (2015). Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Thua vì tụt hậu, truy cập từ http://laodong.com.vn/kinh-doanh/ky-1-co-khi-nong-nghiep-chet-yeu-344243.bld