Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù ngành trồng trọt chiếm hơn 50% nhưng lại là ngành có tốc độ tăng trưởng thấp nhất (chưa tới 2%). Việc tái cơ cấu nông nghiệp đang đứng trước những yêu cầu bức thiết.

a

Tại Hội nghị, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sau 2 năm triển khai Đề án tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng trung bình từ 3% trở lên (năm 2013: tăng 3%; năm 2014: tăng 3,2%). Đến nay, đã có 41/63 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực trồng trọt...

Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng: Năm 2012 đạt 72,8 triệu đồng, năm 2014 lên 79,3 triệu đồng. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện. Xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt vẫn duy trì ở mức 14,5 tỷ USD/năm. Góp phần quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Ngành trồng trọt đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2013, diện tích chuyển đổi đạt khoảng 90.000 ha, năm 2014 chuyển đổi gần 180.000 ha, năm 2015 đạt khoảng 120.000 ha. Mục tiêu đến năm 2020, chuyển đổi 700.000 ha.

Tuy nhiên, ông Trung cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án còn cho thấy sự lúng túng, thiếu đồng bộ trong quá trình triển khai ở địa phương. Một số địa phương chưa hiểu rõ bản chất của tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng nên dẫn đến tình trạng chậm phê duyệt Đề án, hoặc Đề án được xây dựng không sát với yêu cầu thực tế. Chất lượng nông sản còn thấp, giá thành cao, thị trường tiêu thụ chưa ổn định ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành, gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ và hạn chế xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong 02 năm qua, ngành Bảo vệ thực đã tổ chức triển khai kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt và đã đạt được một số kết quả, đặc biệt trong lĩnh vực nâng cao năng lực hệ thống ngành, mở cửa, phát triển thị trường xuất khẩu rau quả có tiềm năng, trong đó tập trung vào các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Đài Loan, Ấn Độ.

Nhưng theo ông Hồng, việc thực hiện Đề án mới chủ yếu tập trung ở cấp Trung ương. Triển khai thực hiện tại các địa phương còn chưa đồng đều. Công tác đổi mới, tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy, chưa tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cao Đức Phát khẳng định, lĩnh vực trồng trọt có vị trí rất quan trọng trong ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất của trồng trọt hiện chiếm 53% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, với hơn 500 nghìn tỷ đồng trong năm nay.

Để thúc đẩy và duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt phải hướng đến nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, lựa chọn những cây trồng chủ lực có lợi thế kinh tế cao. Theo đó, tái cơ cấu không chỉ là thay đổi cơ cấu cây trồng mà phải thay đổi cách tiếp cận trong tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Thay đổi cách tiếp cận đối với trồng trọt từ sản xuất tự cung, tự cấp ở miền núi, sản xuất đủ tiêu dùng có dư thừa thì mới bán ở đồng bằng sông Hồng và một số địa phương sang sản xuất hàng hóa. Thông qua sản xuất hàng hóa để có thu nhập cao hơn, có đủ lương thực thực phẩm nâng cao thu nhập. Nông nghiệp phải là 1 nền sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, các sản phẩm của ngành trồng trọt phải hướng đến chất lượng cao hơn, chất lượng hơn với giá thành giảm để tạo cạnh tranh với những nông sản nhập khẩu”./.