Khói bụi thải ra từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2/ Ảnh: tuoitre.vn

Từ vụ việc Vĩnh Tân 2

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do Ban quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân làm chủ đầu tư. Công trình này bắt đầu xây dựng từ ngày 08/08/2010, do Công ty Shanghai Electric (Trung Quốc) làm tổng thầu. Đến nay, công trình nhà máy đã xây dựng xong các hạng mục cơ bản để phát điện, còn các hạng mục phụ trợ khác đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Nhà máy có hai tổ máy với công suất 622 MW/tổ, trong tổ máy số 1 đã lắp đặt xong thiết bị, vận hành thử nghiệm để hiệu chỉnh kỹ thuật và hòa mạng lưới điện quốc gia từ ngày 15/1/2014; tổ máy số 2 bắt đầu từ ngày 07/09/2014.

Từ đầu năm 2014 đến nay, khi tổ máy số 1 vận hành đã xả ra khói thải, bụi khiến người dân địa phương phản ảnh gay gắt lên các cơ quan chức năng của Bình Thuận.

Tháng 4/2015 tình trạng gây ô nhiễm đã khiến người dân vô cùng bức xúc ra chặn quốc lộ 1A thời gian qua.

Khi đó Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã phải lên tiếng cáo lỗi và xin rút kinh nghiệm.

EVN cũng nêu hàng loạt giải pháp để giải quyết tình hình phát tán tro, bụi, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Cụ thể, EVN khẳng định đã triển khai các biện pháp cấp bách xử lý phát tán bụi ra môi trường.

Thế nhưng lời xin lỗi với những giải pháp cấp bách được đưa ra chỉ sau 3 tháng, tình trạng ô nhiễm lại lặp lại.

Ngày 14/07, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn hỏa tốc gửi các cơ quan chức năng của tỉnh này và Tổng công ty phát điện 3 về việc giải quyết ô nhiễm môi trường Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong).

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng; đồng thời yêu cầu Tổng công ty phát điện 3 chỉ đạo Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 triển khai ngay các biện pháp khắc phục triệt để tình hình gây ô nhiễm môi trường do khói bụi thải ra tại khu vực nhà máy trong những ngày vừa qua (kể cả việc cho tạm dừng tổ máy số 2 để khắc phục).

Đến yêu cầu cấp thiết phải khắc phục ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện

Sự việc xảy ra tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) đã đặt ra yêu cầu về giải pháp cấp thiết và căn cơ về xử lý, sử dụng một tỷ lệ nhất định tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay, có 19 nhà máy nhiệt điện đang vận hành với tổng công suất phát điện 14.480 MW và thải ra khoảng 15 triệu tấn tro, xỉ hàng năm. Trong đó, lượng tro bay chiếm khoảng 75%, còn lại là xỉ.

Dự kiến sau năm 2020, con số này sẽ là 43 nhà máy với tổng công suất 39.020 MW với lượng tro xỉ thải ra hơn 30 triệu tấn/năm.

Trên thực tế hiện nay, lượng xỉ đáy lò được tái sử dụng khá triệt để trong sản xuất vật liệu xây dựng trong khi lượng tro bay chỉ được sử dụng làm phụ gia cho xi măng, bê tông đầm lăn, gạch không nung nhưng khối lượng không lớn, khoảng 0,5-1 triệu tấn/năm.

Nguyên nhân của việc tro bay chưa được tái sử dụng rộng rãi do đặc tính kỹ thuật không phù hợp, độ ẩm và lượng than chưa cháy hết còn cao, chi phí vận chuyển dẫn tới giá thành lớn.

Bộ Xây dựng cho biết, nếu được xử lý đạt yêu cầu chất lượng, thì tiềm năng sử dụng tro xỉ cho sản xuất xi măng, bê tông và vật liệu xây là khá lớn.

Theo tính toán, các nhà máy xi măng có thể tiêu thụ khoảng 2-3 triệu tấn tro bay/năm, các công trình bê tông đầm lăn có thể sử dụng 1 triệu tấn tro bay/năm.

Vật liệu không nung cũng có thể sử dụng 1 triệu tấn và cùng các nhu cầu khác, sẽ đảm bảo tiêu thụ 6-8 triệu tấn trong số 11 triệu tấn tro bay mỗi năm hiện nay.

Đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt về xử lý, đảm bảo môi trường, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg chỉ đạo triển khai một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Các bộ, ngành, đơn vị liên quan cũng đã tiến hành kiểm tra tình hình xử lý tro xỉ của các nhà máy, các cơ sở công nghiệp phát thải khác và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tro, xỉ để tái sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Chiều 10/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì làm việc với các bộ, ngành, đơn vị hữu quan, chỉ đạo các giải pháp xử lý, sử dụng tro xỉ và giảm tối đa việc ảnh hưởng tới môi trường từ chất thải của các nhà máy nhiệt điện trên toàn quốc.

Tại cuộc làm việc, sau khi rà soát, đánh giá tình hình cũng như việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu đôn đốc quyết liệt hơn nữa các giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ nhằm đảm bảo vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giải quyết bài toán tài nguyên, đảm bảo môi trường.

Việc thứ nhất là tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, nhà máy nhiệt điện từng khu vực để xem xét, tính toán các điều kiện, phương án cụ thể và mức độ tiêu thụ lượng tro xỉ, các phương pháp xử lý môi trường. Trong đó tập trung vào các dự án nhiệt điện cấp thiết về vấn đề này như Vĩnh Tân, An Khánh, Sông Hậu, Vũng Áng,…

Các nhà máy khác đang trong quá trình đầu tư, xây dựng sẽ chỉ được triển khai khi có phương án rõ ràng về xử lý tro xỉ, hoặc có hợp đồng với các đơn vị có nhu cầu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về yêu cầu xử lý, phổ biến các mô hình, cách làm hay mà một số nhà máy nhiệt điện đã thực hiện hiện nay.

Về các giải pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng đối với tro, xỉ, làm rõ các chỉ tiêu chất lượng cụ thể ứng với từng lĩnh vực sử dụng để đẩy mạnh việc tái sử dụng tro, xỉ trong sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, bê tông hiện nay.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để mở rộng các phương án sử dụng, tiêu thụ sản phẩm tro xỉ, đơn cử như kết hợp làm nền đường thay cho cát, làm vật liệu san lấp ở các công trình phù hợp, làm đường giao thông nông thôn…/.