Theo đó, Thủ tướng quyết định, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng ban.

Các Ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Thứ trưởng Bộ Công Thương; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Các ủy viên mời: Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.

Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực sản xuất của 4 ngành công nghiệp chủ lực, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế gồm: Máy nông nghiệp; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; công nghiệp điện tử; và công nghiệp chế biến nông thủy sản. Đây là những ngành giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo lan tỏa công nghệ và kỹ năng trong toàn bộ nền kinh tế.

Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng trưởng năng suất lao động và tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế; đồng thời, phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng và hướng dẫn cơ chế, chính sách có liên quan về phát triển các ngành công nghiệp trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình hành động triển khai Kế hoạch hành động phát triển các ngành công nghiệp đã được ban hành theo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Đồng thời, hợp tác với phía Nhật Bản nhằm xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào các ngành công nghiệp trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Giám sát, kiểm tra và đánh giá hiệu quả việc thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp được lựa chọn để tập trung phát triển theo kế hoạch đề ra; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ các vấn đề về quy định, thủ tục, các vấn đề có tính liên ngành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động trong các ngành công nghiệp được lựa chọn trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030./.

Thực hiện thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Nhật Bản, ngày 1/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1043/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030

Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 12/2013 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhật Bản đã cam kết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai các kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp ưu tiên của Chiến lược.

Tầm nhìn của Chiến lược là phát triển vượt bậc 6 ngành công nghiệp được ưu tiên lựa chọn, bao gồm điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô trở thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, tăng trưởng năng suất lao động, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ và đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến.

Ngày 1/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1290/QĐ-TTg; 1291/QĐ-TTg; 1292/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển các ngành công nghiệp điện tử; công nghiệp chế biến nông thủy sản; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng. Ngày 12/8, Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định số 1342/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp.