Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 cho thấy, 642 nông lâm trường hiện nay được Nhà nước giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn, với 7.916.467 ha. Trong đó, có 2.410.970 ha rừng sản xuất, 638.985 ha đất sản xuất nông nghiệp và 236.619 ha đất chưa sử dụng.

Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng đất kém, tình trạng giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực. Chính vì vậy, trong 10 năm, từ năm 2004-2014, tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường chỉ đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Nhìn vào con số nộp ngân sách này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển tính toán rằng cho rằng, mỗi ha đất chỉ đem lại 90 ngàn đồng (Nguyễn Phương- Hồ Hương, 2015).

Bên cạnh đó, ông Hiển cũng chỉ ra một số bất cập trong quản lý đất lâm nghiệp hiện nay khiến hiệu quả sử dụng không cao. Cụ thể là việc giao đất đã hơn 20 năm rồi mà việc cắm mốc giới, rồi xác định diện tích của các nông lâm trường vẫn chưa làm được. “Rõ ràng như thế thì không thể nào tốt được. Đây là một câu chuyện chúng ta phải tính tới” – ông Hiển nói.

Ngoài ra, ông Hiển cũng cho rằng, vấn đề quản lý đất nông lâm trường không hiệu quả như trước đây. “Ngày xưa các nông lâm trường được quản lý chặt chẽ lắm, nhưng giờ bắt đầu có chuyện thực hiện khoán, chia đất… có sự tùy tiện, phát sinh tiêu cực mà không xử lý được. Thậm chí, có chuyện giao đất trên miệng, chẳng có giấy tờ sổ sách nên phát sinh tranh chấp” – ông Hiển nhấn mạnh.

Nói về bất cập trong quản lý sử dụng đất nông lâm nghiệp, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, hiên nay, mới có 112 nông, lâm trường đã thực hiện chuyển sang thuê đất, với diện tích 472.709 ha; trong đó có 4 nông trường với diện tích 56.045 ha và 48 lâm trường, diện tích 416.664 ha. Có 4 nông, lâm trường chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền, với diện tích 2.029 ha.

Chính vì vậy, theo đánh giá của ông Ksor Phước, việc chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách đất đai, chính sách tài chính đất đai và hoạt động của các cấp quản lý và doanh nghiệp nông, lâm nghiệp chưa nghiêm.

Thừa nhận những yếu kém trong công tác quản lý đất nông, lâm nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng, “yếu kém của các nông lâm trường có trách nhiệm các bộ, có Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương, nhưng có nguyên nhân khách quan rất lớn là cơ chế quản lý và chính sách thay đổi qua các thời kỳ”. Đồng thời, Bộ trưởng Quang kiến nghị, cần đẩy mạnh việc sắp xếp và kiên quyết giải thể các nông lâm trường làm ăn kém hiệu quả.

Để giải quyết tính trạng này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, sau khi giám sát tối cao, Quốc hội nên có nghị quyết nói rõ bức tranh các nông lâm trường hiện nay cơ bản là không quản lý được, cơ bản làm ăn không hiệu quả, đất đai bị lãng phí. Đồng thời, theo quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn là cần cương quyết thu hồi đất đai nông lâm trường sử dụng không hiệu quả, để giao cho dân quản lý (Chiến Thắng, 2015)./.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Phương, Hồ Hương (2015). Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để nâng hiệu quả quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, truy cập từ http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=30056

2. Chiến Thắng (2015). Đề nghị kiên quyết thu hồi đất nông, lâm trường sử dụng kém hiệu quả, truy cập từ http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/trong-nuoc/de-nghi-kien-quyet-thu-hoi-dat-nong-lam-truong-su-dung-kem-hieu-qua/379462.html