Vẫn chưa có thương hiệu mạnh

Theo Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có 4,1 triệu hecta đất trồng lúa; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 53% diện tích. Năm 2014, tổng sản lượng lúa đạt 45 triệu tấn, xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn gạo, đạt 2,93 tỷ USD, đứng thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan.

Dù luôn trong “tốp 3” xuất khẩu gạo trong suốt hơn 1/4 thế kỷ, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu gạo mạnh. Nhiều mặt hàng gạo xuất khẩu chỉ mang tên gọi chung chung là gạo 5%, 25% tấm hoặc thậm chí phải “mặc áo” các loại gạo nước ngoài.

Tại Hội thảo Xây dựng Thương hiệu Quốc gia gạo Việt Nam, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước có tới hơn 200 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gạo có quy mô trung bình và lớn, nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, hầu như chưa được áp dụng. Do vậy, áp lực cạnh tranh đối với gạo nước ta trên thị trường xuất khẩu quốc tế không chỉ về giá hay chất lượng, mà còn là giá trị thương hiệu quốc gia, nhằm bảo đảm uy tín đối với các khách hàng. Đây cũng chính là một yêu cầu cấp bách và quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay.

Theo các chuyên gia, vướng mắc lớn nhất khi xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chính là ở khâu giống. Hiện có rất nhiều giống của các doanh nghiệp, mặc dù có phẩm chất khác biệt nhưng lại khó có quy mô lớn, ổn định sản lượng lâu dài và nhanh chóng bị thoái hóa.

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang chia sẻ, chúng ta có hàng trăm loại giống nhưng chưa có hệ thống chọn lọc đánh giá mang tính lâu dài. Trong khi đó, Thái Lan do có hệ thống bảo tồn nguồn gen gốc nên các giống lúa sản xuất nhiều năm không bị thoái hóa, còn ở Việt Nam các bộ giống chỉ sản xuất được vài mùa. Chúng tôi đã đặt hàng nhiều trung tâm nghiên cứu giống để có nguồn giống tốt nhưng tới nay vẫn chưa có hệ giống chuẩn (HV, 2015).

Trong khi đó, GS-TS. Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đai học An Giang cũng cho rằng, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu mà nguyên nhân chủ yếu chính là do chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn. Vì Công ty xuất khẩu gạo thường thu mua gạo của thương lái ở khắp ngõ ngách Đồng bằng sông Cửu Long, còn thương lái lại thu mua từ nông dân cá thể ở nhiều cánh đồng với các giống lúa khác nhau. Với kiểu thu mua, chế biến như vậy, gạo Việt Nam không thể đảm bảo chất lượng xuất khẩu đồng nhất và phải chấp nhận số phận long đong. Và đương nhiên, chúng phải nằm dưới tên của một công ty nào đó ở nước ngoài. (Minh Huệ, 2014).

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tuy số lượng xuất khẩu hằng năm lớn, nhưng thị trường xuất khẩu gạo của nước ta đang gặp khó khăn dồn dập bởi sự cạnh tranh từ những đối thủ, như: Thái Lan, Ấn Độ... một phần là do chất lượng gạo chưa ổn định dẫn đến giá bán ra thị trường xuất khẩu thấp, đặc biệt là gạo của Việt Nam luôn bán thấp hơn gạo Thái Lan xuất khẩu cùng loại từ 30 USD-40 USD/tấn.

Không chỉ trên thị trường thế giới, hạt gạo Việt Nam cũng đang phải chịu sức ép cạnh tranh ngay trong nước; nhất là tại các thành phố lớn, vẫn có mặt gạo Thái Lan. Những lợi thế về chi phí lao động thấp đang dần mất đi trong quá trình tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, bên cạnh các yếu tố về đảm bảo chất lượng, giá cả, mẫu mã, kênh phân phối... cần phải xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.

Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng thương hiệu

Việc định hướng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại nông sản, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu để bảo hộ sản phẩm là một trong những định hướng quan trọng được Chính phủ chỉ đạo đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Đề án phát triển Thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng và việc học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có thế mạnh về thương hiệu quốc gia về gạo, như: Thái Lan, Ấn Độ… sẽ giúp Việt Nam xác định được những bước đi hợp lý, giải pháp cụ thể để phát triển Thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam.

Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam xác định thương hiệu gạo là một công cụ nhằm tái cấu trúc lại ngành lúa gạo Việt Nam, bảo đảm sự phát triển bền vững, hiệu quả cho sản phẩm gạo. Theo đó, xây dựng thương hiệu gạo phải gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật, chế biến, bảo quản, đóng gói và phân phối, tiếp thị. Việc xây dựng thương hiệu gạo sẽ tập trung vào hai nội dung: lựa chọn phân khúc thị trường gạo chất lượng cao và đặc sản cho xuất khẩu; duy trì và giữ vững sự ổn định tại các thị trường truyền thống với các sản phẩm gạo cấp trung bình, nâng cao giá trị bằng các kênh phân phối trực tiếp, củng cố và duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Ở góc độ doanh nghiệp, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang cho rằng, để tìm “chỗ đứng” cho hạt gạo Việt Nam cần phải đảm bảo 3 điều kiện, đó là: người tiêu dùng chấp nhận, nông dân sản xuất dễ dàng và chế biến hiệu quả. Muốn thế, cần liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân để sản xuất theo chuỗi, quy mô lớn, hiện đại, tạo sản phẩm có chất lượng cao, an toàn…

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam, ngày 22/9, tại Hà Nội

2. HV (2015). Xây dựng thương hiệu gạo mang tầm quốc gia, truy cập từ http://baotintuc.vn/kinh-te/xay-dung-thuong-hieu-gao-mang-tam-quoc-gia-20150923205608519.htm

3. Minh Huệ (2014). Sẽ sản xuất giống lúa 800 USD/tấn: Cơ hội “thăng hạng” cho gạo Việt, truy cập từ http://danviet.vn/kinh-te-nong-nghiep/se-san-xuat-giong-lua-800-usd-tan-co-hoi-thang-hang-cho-gao-viet-400560.html