Mới đạt 23,6% diện tích rừng trồng thay thế

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 30/9/2015, diện tích rừng trồng thay thế trên cả nước đạt 15.959 ha trong tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là trên 67.700 ha, đạt 23,6% kế hoạch. Tổng số tiền do các chủ dự án nộp về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng trên 262,3 tỷ đồng, trong đó giải ngân được trên 68,5 tỷ đồng.

Trong đó, khó khăn nhất là các dự án chuyển sang mục đích xây dựng công trình công cộng, diện tích rừng phải thay thế từ việc xây dựng các công trình này trên 30.000 ha nhưng mới trồng thay thế đạt 8,2%.

Các dự án thủy điện là gần 18.000 ha, đến nay trồng rừng thay thế đạt trên 51%, các dự án chuyển sang mục đích kinh doanh là 20.000 ha, trồng thay thế được 22%.

Tính đến hết tháng 9/2015, cả nước có 23/50 địa phương có kế hoạch trồng rừng thay thế với diện tích 8.089 ha.

Trong đó, các dự án chuyển mục đích sang xây dựng công trình thủy điện 11/26 địa phương có kế hoạch thực hiện trồng rừng thay thế với diện tích 5.709 ha và các dự án chuyển sang mục đích khác 20/48 địa phương có kế hoạch thực hiện trồng rừng thay thế với diện tích 2.380 ha.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được công tác chỉ đạo triển khai trồng rừng thay thế ở nhiều tỉnh, thành phố còn chậm, đặc biệt là một số tỉnh có chỉ tiêu kế hoạch lớn như: Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, TP. Đà Nẵng, Bình Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nguyên nhân của tình trạng này là công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt. Nhất là ở các công trình công cộng, nhiều các địa phương chưa chủ động bố trí vốn ngân sách nhà nước để thực hiện. Nhiều chủ dự án không chủ động trong xây dựng phương án trồng rừng thay thế, cũng như thực hiện nộp tiền.

Điển hình như tại Bình Phước. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, tổng diện tích chuyển mục đích sang mục đích khác 2.535 ha, trong đó, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích kinh doanh 498 ha và chuyển mục đích sử dụng sang thực hiện dự án công cộng, phúc lợi xã hội, quốc phòng 2.037 ha.

Tính đến nay toàn tỉnh chỉ trồng được 60 ha rừng thay thế bằng loài cây gáo nước. Việc triển khai thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh chậm, do các chủ dự án thiếu hợp tác, không chủ động trong việc lập hồ sơ phương án và triển khai thực hiện các hạng mục trồng rừng; quỹ đất lâm nghiệp để thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh hạn chế. Diện tích có khả năng trồng rừng đa số đều bị dân lấn chiếm để sản xuất nông - lâm nghiệp, không thực hiện thu hồi được hoặc thu hồi nhưng lại bị tái lấn chiếm.

Phải đảm bảo mục tiêu, kế hoạch trồng rừng thay thế

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, việc trồng rừng thay thế là một trong những giải pháp quan trọng trong chủ trương bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái hướng tới phát triển bền vững.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là nhất quyết phải đảm bảo mục tiêu, kế hoạch mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

Thực hiện theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP, Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ, từ nay trở đi, các dự án mới khi phê duyệt đầu tư, báo cáo khả thi, thì phải có phương án trồng rừng thay thế, quỹ đất cụ thể…

"Coi đây là một nội dung quyết định tính khả thi của dự án, nếu diện tích trồng bù quá lớn, hoặc không có quỹ đất, thì coi như dự án này không hiệu quả về kinh tế - xã hội, không khả thi và xem xét "loại" ngay", Phó Thủ tướng kiên quyết yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các dự án thủy điện đã vận hành trước hết phải nghiêm chỉnh triển khai và đảm bảo yêu cầu đặt ra về diện tích trồng rừng thay thế theo đúng lộ trình và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới theo chương trình giám sát dự kiến. Đối với các dự án mới hoặc sắp đưa vào cũng sẽ được rà soát, có lộ trình phương án cụ thể.

"Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi việc thực hiện trồng rừng thay thế này. Chủ đầu tư nào không thực hiện thì xem xét rút giấy phép hoạt động... Các địa phương rà soát lại các dự án trước đây không có phương án trồng bù rừng, làm việc với chủ đầu tư để có lộ trình nộp tiền quỹ phát triển rừng, lấy từ chi phí sản xuất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về phần diện tích 50.000 ha dự án khác, trong đó có hơn 30.000 ha là diện tích rừng chuyển đổi mục đích xây dựng dự án công trình công cộng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lưu ý việc bố trí vốn với lộ trình triển khai trong những năm tới, đảm bảo mục tiêu độ bao phủ rừng, tăng thêm diện tích xanh hóa, bảo đảm môi trường sinh thái.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp ở một số địa phương như Nghệ An cho lồng ghép với các dự án đang làm, chủ đầu tư hỗ trợ tiền cho 1 dự án trồng rừng nào đó thực hiện luôn, hoặc như Lai Châu giao khoán cho dân trồng, chủ đầu tư nộp tiền vào quỹ của địa phương để bố trí nguồn lực, phương án trồng bù...

“Lưu ý các dự án trồng bù phải chú trọng hơn tới chất lượng, bảo đảm yêu cầu môi sinh bằng và tốt hơn diện tích rừng bị thay thế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.