Sáng ngày 1/11, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã khai mạc trọng thể.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đọc diễn văn khai mạc Đại hội

Khẳng định bước trưởng thành và phát triển toàn diện của Thủ đô

Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: "Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố đánh dấu chặng đường xây dựng, phát triển Thủ đô sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XV và sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, khẳng định bước trưởng thành và phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, chủ động hội nhập quốc tế".

Trình bày Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa XV, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Thế Thảo cho biết một số kết quả cơ bản, mang tính nổi bật trong giai đoạn 2010-2015.

Năm năm qua, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới bên cạnh thuận lợi và thời cơ cũng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; thành phố phải giải quyết một khối lượng công việc lớn và khó. Nhưng, với sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vượt qua khó khăn, thách thức, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương và của Đảng bộ, đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 năm 2011 - 2015 tăng 9,3%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước.

Quy mô GRDP năm 2015 đạt trên 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 714,5 ngàn tỷ đồng, vượt dự toán, tăng bình quân khoảng 7,1%/năm.

Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2015 có 179 xã trên tổng số 386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 1/5 tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn quốc. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tập trung, chuyên canh ứng dụng khoa học, công nghệ tiến bộ, có hiệu quả kinh tế cao.

Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2015 tăng gấp 2 lần so với năm 2011.

Cùng với đó, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có nhiều tiến bộ; tập trung đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước, cải thiện môi trường... Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, hiện đại.

Trong lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tiến bộ; nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục, thể thao thành tích cao tiếp tục dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là khu vực nông thôn được quan tâm; các vấn đề xã hội như giảm nghèo, hỗ trợ người tàn tật, chăm lo chính sách đối với người có công được thực hiện có hiệu quả; chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tích cực; quan hệ đối ngoại được tăng cường; sự phối hợp với các ban, bộ, ngành, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được mở rộng; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Hà Nội là một trong những Đảng bộ đi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo được những chuyển biến tích cực trong việc khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt công tác cán bộ, bao gồm cả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí và thực hiện chính sách cán bộ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội

Song, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, những kết quả đạt được của Thủ đô trong thời gian qua là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh những thành quả và tiến bộ, Tổng Bí thư đã chỉ rõ, Hà Nội cũng còn những hạn chế, tồn tại.

Đó là kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường một số mặt còn yếu. Phát triển văn hóa - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả mong muốn.

Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị có mặt chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đòi hỏi thực tiễn. Công tác quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của một số cấp ủy còn hạn chế.

“Những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong Đảng, trong xã hội, nhất là về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Cần tìm ra những biện pháp tích cực để khắc phục hạn chế

Trước những hạn chế, Tổng Bí thư đề nghị Đại hội cần đi sâu phân tích, làm rõ nguyên nhân của những thành quả, tiến bộ và những yếu kém, khuyết điểm; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các biện pháp tích cực phát huy ưu điểm, kiên quyết khắc phục khuyết điểm, hạn chế.

Tổng Bí thư nhất trí với mục tiêu tổng quát, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và 16 chỉ tiêu của Đảng bộ Hà Nội, đồng thời lưu ý, nhấn mạnh thêm một số vấn đề khác.

Trước hết, Tổng Bí thư yêu cầu, Đảng bộ Hà Nội cần nêu cao hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, điều hành, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những giải pháp khả thi để tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực công tác trọng tâm; xây dựng, phát triển Hà Nội xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô, là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Thứ nữa, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hoá rất nhanh, tạo ra nhiều áp lực về hạ tầng kinh tế - xã hội và gia tăng dân số.

“Vì vậy, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển đồng bộ, hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng; làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị; hạ tầng thông tin - truyền thông”, Tổng Bí thư chỉ rõ..

Điều tiếp theo, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Hà Nội cần tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não, các hoạt động của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn thành phố. Xây dựng thế trận lòng dân, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực xấu, thù địch, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Chủ động có các phương án phòng ngừa và kịp thời xử lý có hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh, không để bị động, bất ngờ.

Hà Nội ngàn năm văn hiến là bộ mặt, là niềm tự hào của quốc gia. Người Hà Nội phải thực sự tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tôn trọng pháp luật. Bên cạnh việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cả vật thể và phi vật thể, sáng tạo các giá trị văn hóa mới, Hà Nội phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Hà Nội phải đặc biệt chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, trọng tâm là thực hiện nghiêm túc 3 nhóm nội dung và 4 nhóm giải pháp, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ và tổ chức đảng; phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc, thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, kỷ cương, gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời kiến nghị của nhân dân; bám sát thực tiễn cơ sở, nói đi đôi với làm.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, xây dựng và phát triển Thủ đô là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, đồng thời cũng là trách nhiệm của Trung ương và cả nước. Thành phố cần chủ động hơn nữa trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; đồng thời, các ban, bộ, ngành Trung ương cũng cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm phối hợp chặt chẽ với Thành phố, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô. Cán bộ, công chức, viên chức, những người lao động, học sinh, sinh viên... các cơ quan Trung ương sống và làm việc trên địa bàn Thủ đô cũng phải gương mẫu chấp hành nghiêm túc luật pháp, các quy định của Thành phố, tham gia vận động quần chúng, hưởng ứng các phong trào thi đua, đóng góp thiết thực cho Thành phố.

Tổng Bí thư mong rằng, với lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống cách mạng vẻ vang, với tinh thần đổi mới, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội sẽ tranh thủ được thời cơ, vượt qua thử thách, chung sức, đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện xuất sắc lời căn dặn của Bác Hồ, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đại hội tiến hành bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020

Chiều 1/11, Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVI tiến hành bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020. Ngay sau khi có kết quả bầu cử Ban chấp hành khóa mới Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Trung tâm báo chí Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố kết quả sơ bộ.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, để chuẩn bị công tác nhân sự, 12 tổ đại biểu đã thảo luận về đề án nhân sự. Trên cơ sở kết quả thảo luận, Đại hội đã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Đoàn để chốt danh sách bầu cử.
Số lượng Ban chấp hành được thông qua là 76 người. Đại hội đã bầu được 74 đồng chí.
Danh sách để bầu 74 đồng chí có 85 đồng chí, đạt số dư 14,8%. Không có đồng chí nào tự ứng cử hoặc được đề cử thêm ngoài danh sách.
Đại hội đã bầu một lần đủ 74 người với số phiếu rất tập trung. Người trẻ nhất được bầu vào Ban chấp hành là đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội./.