Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chủ yếu chịu sự chi phối của 19 nhà sản xuất (gồm 13 doanh nghiệp liên doanh và 6 doanh nghiệp trong nước) là thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Các nhà sản xuất này cùng chia nhau thị trường trên 200.000 xe/năm, với nhiều chủng loại khác nhau. Thị trường ô tô Việt Nam hội tụ hầu hết các thương hiệu ô tô nổi tiếng trên thế giới, như: Toyota, GM, Ford, Honda, Mercedes...

Trong thời gian vẫn còn được bảo hộ với hàng rào thuế nhập khẩu từ 15%-50% như hiện nay, ô tô lắp ráp trong nước đáp ứng được khoảng 60%-70% nhu cầu thị trường. Xe 05 chỗ và xe tải là hai phân khúc chủ đạo của công nghiệp ô tô Việt Nam.

Trong giai đoạn 2009-2013, giá trị nhập khẩu ô tô và phụ tùng linh kiện ô tô vào Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD/năm, chiếm 1,85% kim ngạch nhập khẩu ô tô cả nước. Mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất là phụ tùng và linh kiện ô tô, chiếm gần 40% kim ngạch nhập khẩu ô tô và phụ tùng. Đối với ô tô nguyên chiếc, xe dưới 9 chỗ là loại xe được nhập khẩu nhiều nhất, chiếm trên 50%. Hàn Quốc và Trung Quốc là hai quốc gia xuất khẩu lớn nhất sang Việt Nam, chiếm lần lượt là 28% và 24%, tiếp đến là Thái Lan và Nhật Bản (15%).

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đứng trước một số khó khăn, như: thị trường trong nước vẫn còn rất nhỏ (bằng ½ Philippines, 1/5 Malaysia, 1/10 Indonesia và Thái Lan). Giá xe cao hơn so với các nước trong khu vực Asean (50-300 triệu đồng). Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển....

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, với mục tiêu đến năm 2020 duy trì hoạt động sản xuất, lắp ráp và tạo ra giá trị trong nước đến sau 2018; tăng trưởng lành mạnh nhu cầu ôtô trong nước, phù hợp với điều kiện về hạ tầng cơ sở, tránh gây tác động xấu đến môi trường, xã hội; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của công nghiệp ôtô; cắt giảm chi phí sản xuất, chi phí hậu cần và giá bán xe; hội nhập với mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu dựa trên lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và tuân thủ các cam kết quốc tế.

Về chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô tô, từ năm 2015, duy trì ổn định lâu dài các chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến ôtô (SCT/OT/VAT; phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ, phí môi trường…) với lộ trình thuế, phí nội địa ổn định trong vòng 10 năm; điều chỉnh lại giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu cho hợp lý.

Kế hoạch cũng yêu cầu bổ sung ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng vào danh mục các lĩnh vực ưu đãi theo Luật Đầu tư năm 2014. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển linh kiện, phụ tùng từ các nhà cung cấp chế xuất để phục vụ thị trường nội địa. Giảm thuế nhập khẩu đối với các phụ tùng, linh kiện ôtô chưa sản xuất được ở trong nước và định kỳ rà soát, điều chỉnh danh mục phụ tùng, linh kiện ôtô được giảm thuế nhập khẩu.

Về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, cụ thể hóa tiêu chí đánh giá dự án, đơn giản hóa thủ tục đánh giá và phê duyệt dự án để áp dụng các ưu đãi đầu tư. Xây dựng danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo hướng tập trung, có chọn lọc hơn. Bổ sung công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô vào danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm khuyến khích phát triển; bổ sung một số linh kiện, phụ tùng ôtô vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao; bố trí nguồn vốn nhất định từ Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để cho các doanh nghiệp vay đầu tư trang thiết bị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp ôtô với lãi suất, thời hạn vay ưu đãi và nới lỏng điều kiện thế chấp.

Nghiên cứu, đề xuất phát triển các cụm liên kết (cluster) công nghiệp ôtô nhằm tận dụng sự tập trung công nghiệp hiện có của các doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp ôtô và định hướng rõ ràng cho những dự án, nhà đầu tư mới. Đồng thời, xây dựng các khu công nghiệp dành cho các SME Nhật Bản với đầy đủ dịch vụ hỗ trợ đi kèm.

Về nguồn nhân lực, tiến hành rà soát, khảo sát các cơ sở đào tạo kỹ thuật (đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề...); rà soát, sửa đổi các nội dung giáo trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, có sự tham vấn chặt chẽ với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất ưu đãi, chính sách hỗ trợ thúc đẩy công tác đào tạo liên tục và tiếp nhận thực tập sinh tại các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; thực thi việc cấp giấy chứng nhận tay nghề trong ngành công nghiệp ôtô (đặc biệt trong sản xuất phụ tùng, linh kiện); xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực công nghiệp ôtô với sự hợp tác, hỗ trợ của doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài.

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô đối với các cơ sở kỹ thuật (đặc biệt trong lĩnh vực bảo dưỡng và sửa chữa). Đẩy mạnh hoạt động của các chuyên gia Nhật Bản, các chương trình dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật (sindanshi) sang Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp SME trong nước./.