Theo đó, nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nếu chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt truyền thống sang mô hình "thực hành nông nghiệp tốt" (VietGAP) sẽ được hỗ trợ 50% chi phí xây dựng cơ bản và 100% lãi suất nếu vay tiền từ ngân hàng. Đây là việc làm nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020, trên 80% diện tích cây, rau, quả, trên 60% sản lượng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và an toàn dịch bệnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng việc hỗ trợ tài chính và mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp tăng nhanh diện tích trồng rau VietGAP cũng như tăng số hộ dân, trang trại nuôi heo theo VietGAP.

Tính đến cuối năm 2014, diện tích canh tác tại TP. Hồ Chí Minh là 3.500 ha, nhưng diện tích đạt chứng nhận VietGAP chỉ có gần 137 ha, với sản lượng đạt hơn 14.000 tấn mỗi năm. Hiện tại thành phố chỉ cung cấp cho người dân trên địa bàn khoảng 30% lượng rau quả các loại, còn lại là từ các tỉnh lân cận.

Đối với chăn nuôi, Thành phố có 420 cơ sở chăn nuôi đã được cấp chứng nhận chăn nuôi an toàn theo VietGAP với khoảng 53.500 con heo, chiếm 13,5% tổng đàn. Các hộ chăn nuôi heo VietGAP cung cấp 5.580 con/tháng, tương đương 16,4% sản lượng heo thịt của toàn Thành phố.

Những con số này được đánh giá còn quá khiêm tốn. Nguyên nhân là do người dân chưa mặn mà với VietGAP, một phần vì chi phí sản xuất cao hơn cách thông thường trong khi sản phẩm làm ra lại khó tiêu thụ.

Vì thế, ngoài việc hỗ trợ lãi suất, chi phí xây dựng cơ bản, mới đây TP. Hồ Chí Minh cũng công bố những điểm bán hàng VietGAP trên các phương tiện thông tin đại chúng và lấy đây là kênh phân phối lâu dài cho các sản phẩm VietGAP cho người tiêu dùng.