Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh tại Hội thảo quốc tế “Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp trong giai đoạn mới của hội nhập quốc tế”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 17/12, tại Hà Nội.

Đánh giá về những kết quả của ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sản xuất nông nghiệp liên tục tăng trưởng và duy trì tốc độ ổn định từ 3%-4%/năm.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản luôn xuất siêu, góp phần cân đối cán cân thương mại và liên tục tăng cao từ 4,2 tỷ USD năm 2000 lên 30,8 tỷ USD năm 2014. Việt Nam hiện có 10 mặt hàng nông, lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 01 tỷ USD và đứng đầu về xuất khẩu nhiều mặt hàng, như: cà phê, gạo, hồ tiêu, điều… Hàng hóa nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 170 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đóng góp vào thành quả trên, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp giữ một vai trò quan trọng.

Song song với những triển khai trong nước, Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia đàm phán ký kết thêm nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và liên khu vực.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết những lợi thế do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại và phải đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến nâng cao vị thế cạnh tranh, các vấn đề liên quan đến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trình độ công nghệ sản xuất.

Đưa ra những thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi tham gia hội nhập, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, với các ưu đãi về thuế của các khuôn khổ hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ tham gia, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh ngày càng nhiều hơn ở thị trường trong nước và nước ngoài.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Trần Công Thắng, khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các sản phẩm về chăn nuôi, mía đường sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Cụ thể, trên lĩnh vực cà phê, theo Hiệp hội ngành hàng cà phê, ca cao Việt Nam, niên vụ 2014-2015 là niên vụ đầy biến động với giá và phê lên xuống liên tục, nguyên nhân do tác động của vấn đề tài chính thế giới, đồng thời việc kinh doanh theo lối truyền thống, ít tham gia các công cụ kinh doanh nhằm kiểm soát rủi ro là những khó khăn của ngành hành cà phê Việt Nam.

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, ông Trần Công Thắng cho rằng, cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, hợp tác đầu tư, xây dựng thông tin, mạng lưới thương mại giữa các nước, phổ biến các quy định, cập nhật chính sách cho các nhà đầu tư, xuất nhập khẩu; tổ chức diễn đàn trao đổi thông tin, kết nối doanh nghiệp các nước. Đánh giá, nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong nước, người nông dân. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, tăng cường trao đổi khoa học công nghệ giữa các nước, tận dụng cơ hội hội nhập để tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến về giống, lai tạo, công nghệ cao trong canh tác, chế biến, bảo quản…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh: “Hội nhập kinh tế quốc tế là phù hợp với lợi ích lâu dài, không thể xây dựng nền kinh tế vững mạnh nếu không có mở cửa hội nhập. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, phổ biến những thông tin sâu rộng liên quan đến thông tin hội nhập quốc tế. Cùng với đó, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam với các mặt hàng nông sản thế giới nhập khẩu. Đặc biệt, các địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; Thực hiện tốt tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững”./.