Thái Nguyên: Điểm sáng thu hút FDI của cả nước

Năm 2015, mặc dù tình hình kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, Tỉnh đã cán đích kế hoạch năm với nhiều thành tựu đáng tự hào.

Tổng sản phẩm trong Tỉnh năm 2015 tăng khoảng 25,2% so với năm 2014; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 46,4 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 9 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước đạt trên 79 nghìn tỷ đồng, tăng 32,4% so với cả năm 2014.

Điều đáng mừng là trong năm 2015, Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục khi vượt lên là điểm sáng về thu hút đầu trư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Từ vị trí 44/63 tỉnh, thành phố thu hút FDI trong cả nước năm 2012, Tỉnh đã vươn lên vị trí đứng đầu cả nước về thu hút FDI năm 2014.

Tính chung trong giai đoạn 2011-2015, Tỉnh có gần 700 dự án đầu tư, trong trên 50 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là trên 7 tỷ USD, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố có vốn FDI. Nổi bật trong các dự án có nguồn vốn FDI lớn đó là: Dự án Nhà máy điện tử Samsung - Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung Electronic Hàn Quốc và Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo do Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo liên doanh với Tập đoàn Công nghệ cao hàng đầu thế giới H.C Starck (Đức) thực hiện.

Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư trên địa bàn có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế của Tỉnh, nhiều dự án đang đầu tư xây dựng và các dự án lớn đã đi vào sản xuất, tạo ra năng lực sản xuất tăng cao, đặc biệt là nhóm sản xuất sản phẩm điện tử, viễn thông và nhóm chế biến khoáng sản sau khai thác… tạo ra khối lượng sản phẩm lớn với giá trị cao, là đòn bẩy tạo đà tăng trưởng đột phá cho sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn Tỉnh.

PCI của Thái Nguyên đã đứng ở vị trí số 8/63 tỉnh, thành trong cả nước năm 2014 và lần đầu tiên lọt vào top 10 tỉnh, thành trong nhóm điều hành tốt. Song song với đó, chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI cũng được nâng cao.

Đồng chí Chủ tịch tỉnh và đoàn công tác tại công trường Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình)

Khu công nghiệp Thái Nguyên: Trụ cột thu hút FDI của Tỉnh

Có được thành tích trên xuất phát từ việc xác định chủ trương đúng đắn, song hành với các giải pháp phù hợp, hiệu quả, sự nỗ lực, tận tâm của toàn bộ cán bộ, công chức và toàn bộ bộ máy lãnh đạo của Tỉnh.

Ngay từ đầu, việc xác định đầu tư phát triển khu công nghiệp là một trong những trụ cột chính của hoạt động đầu tư phát triển kinh tế Thái Nguyên đã khẳng định tính đúng đắn trong thực tế.

Tỉnh đã chủ động nghiên cứu phân tích, đánh giá những yếu tố thuận lợi và khó khăn có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành, xây dựng và thu hút đầu tư phát triển bền vững khu công nghiệp; đồng thời, tập trung vào những khâu đột phá, như: cơ chế, chính sách; bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; xúc tiến đầu tư và cải cách hành chính.

Hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 06 khu công nghiệp được quy hoạch chi tiết với quy mô diện tích đất tự nhiên 1.420 ha, bao gồm: Khu Công nghiệp Sông Công 1 là 195 ha; Khu Công nghiệp Sông Công 2 là 250 ha; Khu Công nghiệp Điềm Thụy là 350 ha; Khu Công nghiệp Nam Phổ Yên là 120 ha; Khu Công nghiệp Yên Bình là 400ha; Khu Công nghiệp Quyết Thắng là 105 ha.

Nhờ những bước đi đúng đắn, tính lũy kế đến hết năm 2015, các KCN Thái Nguyên đã có 134 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 61 dự án FDI và 73 dự án trong nước với tổng số vốn là 6,9 tỷ USD và trên 11.000 tỷ đồng.

Trong số 134 dự án đó, có trên 80 dự án đi vào hoạt động, trong đó có 32 dự án mới đi vào hoạt động. Doanh thu tiêu thụ ước đạt 17,5 tỷ USD và 5.000 tỷ đồng, tăng 118,7% so với năm 2014. Các dự án góp phần giải quyết việc làm cho trên 81.000 lao động, tăng 195,22%; nộp ngân sách ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng gấp 8,3 lần so với cùng kỳ.

Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp khu công nghiệp ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 223,14% so với năm 2014. Giá trị nhập khẩu ước đạt 11,5 tỷ USD tăng 166,67% so với năm 2014.

Các dự án triển khai được Ban quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên thường xuyên đôn đốc theo đúng tiến độ đã đăng ký. Các dự án không có khả năng tiếp tục triển khai, Ban đã thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khi đủ điều kiện do không có khả năng để tiếp tục triển khai dự án.

Các dự án cũng được chú trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường. Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2015 số 19/KH-BQL, ngày 09/01/2015 để nhằm cụ thể hóa các nội dung trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp. Trên cơ sở kế hoạch, Ban đã thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Lũy kế đến nay có 73 dự án đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Trong đó, 37/42 dự án trong KCN Điềm Thụy; 25/74 dự án trong KCN Sông Công I; 9/9 dự án trong KCN Yên Bình và 02/08 dự án trong KCN Nam Phổ Yên.

Không thỏa mãn với thành tích đạt được, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên Phan Mạnh Cường cho biết, thời gian tới Tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án công nghệ thông tin gắn với hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ làm động lực, tác động lan tỏa về kinh tế - xã hội trong và ngoài vùng dự án khu công nghiệp.

Năm 2016, Ban quản lý Khu công nghiệp Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu vận động thu hút được trên 10 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 200-300 triệu USD. Giá trị doanh thu năm 2016 phấn đấu đạt 20 tỷ USD, doanh thu tiêu thụ nội địa ước đạt 6.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt 18 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước 2500 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho trên 10.000 lao động.

Hướng đi tới của Khu công nghiệp Thái Nguyên là tập trung thu hút các dự án FDI công nghiệp phụ trợ, chú trọng đến công nghiệp phụ trợ phục vụ cho Samsung và các tập đoàn điện tử khác; thu hút công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, đi kèm là công nghiệp phụ trợ phục vụ cho nhóm ngành cơ khí, chế tạo và sản xuất, lắp ráp ô tô.

Đồng thời, kết hợp thu hút các dự án FDI sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao để phục vụ chính cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp khu công nghiệp; thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các loại hình dịch vụ tài chính - tín dụng khác để cung cấp nguồn lực tài chính và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng các hoạt động xúc tiến đầu tư cần gắn chặt với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính về đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, theo hướng rút ngắn tối đa thời gian cho các nhà đầu tư FDI khi thực hiện các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư... góp phần nâng cao chỉ số PCI của Tỉnh.../.