Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 do Tổng cục Thủy lợi tổ chức, ngày 28/12, tại Hà Nội.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nên thời tiết diễn biến cực đoan, ảnh hưởng đến nước ta nhiều hơn so với năm 2014 và những năm trước đây. Năm 2015 cũng là năm nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu sự ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nên nguồn lực đầu tư vào phát triển thủy lợi giảm. Song công tác thủy lợi tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ, như:

Trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ngành đã tiếp tục triển khai, phổ biến Luật Phòng chống thiên tai; cơ bản hoàn thành việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp Bộ. Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai cấp tỉnh (đã có 18/63 tỉnh hoàn thành).

Về công tác phát triển khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Ngành đã triển khai đúng tiến độ 08 nhiệm vụ nghiên cứu về các lĩnh vực: an toàn đập, mô hình tổ chức quản lý khai thác hệ thống thủy lợi Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện đề án trạm bơm điện, thủy lợi phục vụ thủy sản, thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành, vấn đề suy thoái và biến hình lòng dẫn sông Hồng… Đẩy mạnh triển khai việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ viễn thám trong dự báo, cảnh báo thiên tai, quản lý vi phạm, sạt lở bờ sông, bờ biển, an toàn đập và phòng chống lũ cho hạ lưu, quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Về công tác nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02-BYT; 46% số hộ gia đình ở nông thôn chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; 100% trường học mầm non, phổ thông và 100% trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch hợp vệ sinh và được quản lý, sử dụng tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: việc triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi ở các địa phương còn chậm. Thiếu cơ chế, chính sách và nguồn kinh phí để triển khai, đặc biệt là một số nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi về áp dụng công nghệ trong quản lý, vận hành công trình, áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực, phát triển thủy lợi nội đồng.

Việc thực thi Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Luật đê điều và Pháp lệnh phòng, chống lụt bão chưa được chú trọng đúng mức; tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều vẫn thường xuyên xảy ra và chưa được xử lý, nước thải không được xử lý hoặc xử lý không triệt để đổ vào kênh gây ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thủy lợi.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài, trong năm 2016, ngành thủy lợi sẽ tiếp tục đổi mới theo hướng ưu tiên giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong cảnh báo, dự báo, hỗ trợ ra quyết định phục vụ sản xuất, dân sinh; đảm bảo sự đồng bộ trong ngành, từ Trung ương đến cơ sở.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy sản xuất các thiết bị, vật tư, hệ thống nhà lưới, nhà kính để tưới tiên tiến – tiết kiệm nước, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung nghiên cứu, hướng dẫn thiết kế các hệ thống thủy lợi nội đồng, nghiên cứu chuyển giao công nghệ chế tạo các thiết bị cho xây dựng, nghiên cứu hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch tái cơ cấu của từng hệ thống.

Chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, trong năm tới Tổng cục Thủy lợi cần tiếp tục đổi mới theo hướng ưu tiên giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong cảnh báo, dự báo, hỗ trợ ra quyết định phục vụ sản xuất, dân sinh; đảm bảo sự đồng bộ trong ngành, từ Trung ương đến cơ sở. Kết quả thực hiện các chương trình, đề án, dự án phải có tính khả thi ứng dụng vào thực tiễn, cơ sở và địa phương./.