Nỗi lo thực phẩm bẩn

Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội Xuân 2016 đang đến gần, đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu... Đáng lo ngại càng gần dịp Tết, các vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng càng nhiều.

Điển hình, trong ngày 18/1/2016, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ trên xe ô tô tải mang biển kiểm soát 75C-046.99 chở một lượng lớn mực khô và một số thùng xốp cá biển không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số hàng hóa kể trên đang trong giai đoạn phân hủy và bốc mùi hôi thối. Theo điều tra, số hàng hóa trên được chở từ Quảng Ngãi ra Hà Nội để tiêu thụ (Hồng Quang, 2016).

Thực tế, trong thời gian gần đây, hoạt động về tội phạm và vi phạm trong an toàn thực phẩm có diễn biến ngày càng phức tạp. Trong trồng trọt, chăn nuôi, có một bộ phận đối tượng đã sử dụng chất cấm để pha trộn vào thức ăn chăn nuôi đối với gia súc, gia cầm; sử dụng các chất cấm để bảo quản nông sản; sử dụng các phụ gia không được phép đưa vào thực phẩm; tái chế các thực phẩm đã quá hạn sử dụng, bị hư hỏng, ôi thiu…

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, nhiều vụ việc mất an toàn thực phẩm bị phanh phui nhưng an toàn thực phẩm vẫn là nỗi bức xúc.

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an, cho biết: năm 2015, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện đấu tranh 3.365 vụ liên quan đến an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính trên 2.400 vụ với số tiền gần 17 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng 2 tháng cuối năm 2015, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 428 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 341 vụ với số tiền là 2,5 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra khởi tố là 3 vụ, 4 đối tượng (Phương Dung, 2016).

Tại buổi giao lưu trực tuyến: “An toàn thực phẩm cuối năm - Bao giờ hết nóng?” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức ngày 18/01/2016, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt (Vinastas), cho biết, an toàn thực phẩm hiện nay không chỉ nóng trên diễn đàn báo chí, mà còn nóng trên cả diễn đàn Quốc hội. Trong năm 2015, Vinastas nhận được khoảng 2.200 khiếu nại thì vấn đề liên quan thực phẩm bẩn chiếm hơn 20%. Đáng nói, khi giải quyết khiếu nại, cơ quan này đều không nhận được sự hợp tác từ phía cơ sở sản xuất, phân phối.

Kiên quyết ngăn chặn

An toàn thực phẩm trong dịp Tết luôn là vấn đề được đặt ra vào mỗi dịp cuối năm, đó là làm thế nào để kiểm soát và ngăn chặn được các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh An toàn thực phẩm ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội 2016.

Kế hoạch này tập trung vào hai hoạt động chủ yếu, thứ nhất là chiến dịch thanh kiểm tra an toàn thực phẩm tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các mặt hàng thực phẩm có lượng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, như: bánh mứt kẹo, rau thịt, giò chả, rượu bia... Đặc biệt sẽ tập trung thanh kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm và các siêu thị. Hoạt động thứ 2 là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các đối tượng là người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Theo đó, tại Trung ương sẽ tổ chức 6 đoàn thanh kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh thành phố trọng điểm, đồng thời sẽ chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thành lập các đoàn thanh kiểm tra việc sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Riêng với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, việc thanh kiểm tra sẽ được kết hợp chặt chẽ với việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận huyện, xã phường. Với việc tăng cường thanh kiểm tra như vậy thì các vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời, đồng thời sẽ công khai rộng rãi tên, địa chỉ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không an toàn để người dân biết (PV, 2016).

Cũng tại tại buổi giao lưu trực tuyến: “An toàn thực phẩm cuối năm - Bao giờ hết nóng?” ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng cho biết, thực tế, ba tháng qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai một số biện pháp và đã có hiệu quả. Bộ đặt mục tiêu, trước hết là hướng dẫn người sản xuất, nông dân sản xuất sản phẩm an toàn, như vậy mới có sản phẩm an toàn.

Để đạt được mục tiêu nêu trên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tăng cường khâu lấy mẫu giám sát xem sản phẩm có an toàn hay không, sau đó công nhận cơ sở đó an toàn, nếu mẫu không đạt sẽ có cảnh báo tới người dân đồng thời công khai trên phương tiện truyền thông.

Đặc biệt, từ thời điểm hiện tại đến Tết Nguyên đán, Bộ sẽ chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm nếu có./.

Tài liệu tham khảo:

1. Cổng thông tin Chính phủ (2016). Giao lưu trực tuyến với chủ đề "An toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016", ngày 18/1

2. Phương Dung (2016). Phát hiện gần 3.400 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, xử phạt 17 tỷ đồng, truy cập từ http://dantri.com.vn/kinh-doanh/phat-hien-gan-3-400-vu-vi-pham-an-toan-thuc-pham-xu-phat-17-ty-dong-20160120201152378.htm

3. PV (2016). An toàn thực phẩm cuối năm - Bao giờ hết nóng?, truy cập từ từ http://baochinhphu.vn/Doi-song/An-toan-thuc-pham-cuoi-nam-Bao-gio-het-nong/246173.vgp

4. Hồng Quang (2016). Bắt giữ, tiêu hủy lượng lớn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, truy cập từ http://baochinhphu.vn/An-ninh-trat-tu/Bat-giu-tieu-huy-luong-lon-thuc-pham-ban-khong-ro-nguon-goc/246338.vgp