Cần thiết phải phát triển cảng cạn

Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển và hệ thống các kết cấu hạ tầng khác, việc phát triển cảng cạn phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, các quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các vùng và địa phương.

Cần thiết phải phát triển hệ thống cảng cạn để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của từng khu vực và hành lang kinh tế, đặc biệt đối với hàng hóa được vận chuyển bằng container.

Phát triển hệ thống cảng cạn để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa

Nhằm từng bước hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua cho các cảng biển; tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý, giảm chi phí vận chuyển, thời gian lưu hàng tại cảng biển và đảm bảo an toàn hàng hóa; góp phần giảm ách tắc giao thông, đặc biệt ở các đô thị lớn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2223/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, xây dựng hệ thống cảng cạn đạt công suất khoảng 6 triệu TEU/năm; đến năm 2030, hệ thống cảng cạn đạt công suất 14,2 triệu TEU/năm.

Theo quy hoạch, hệ thống cảng biển được quy hoạch theo 3 miền, cụ thể:

Miền Bắc hình thành 5 cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế: khu vực kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai, hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn, khu vực kinh tế Tây Bắc Hà Nội; khu vực kinh tế Đông Nam Hà Nội.

Miền Trung - Tây Nguyên hình thành 5 cảng cạn tại khu kinh tế Nghi Sơn, hành lang kinh tế đường 8 và đường 12A, hành lang kinh tế đường 9, khu vực kinh tế Đà Nẵng - Huế, hành lang kinh tế đường 19.

Riêng Miền Nam sẽ hình thành 03 cảng tại các khu vực kinh tế và hành lang kinh tế sau:

Khu vực kinh tế Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh: giai đoạn đến năm 2020 có quy mô trên 150 ha và giai đoạn sau năm 2030 có quy mô trên 400 ha; phục vụ chủ yếu các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đắc Nông và Lâm Đồng; khả năng thông qua khoảng 6.000.000 TEU/năm, chủ yếu qua cụm cảng Bà Rịa-Vũng Tàu và qua cảng cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh;

Khu vực kinh tế Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh: giai đoạn đến năm 2020 có quy mô trên 70 ha và giai đoạn sau năm 2030 có quy mô trên 150 ha; phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Bến Tre; khả năng thông qua khoảng 1.700.000 TEU/năm, chủ yếu qua cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh, cụm cảng Bà Rịa-Vũng Tàu và Mỹ Tho;

Khu vực kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long: giai đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 40 - 50 ha và giai đoạn sau năm 2030 có quy mô trên 100 ha; phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang; khả năng thông qua khoảng 1.100.000 TEU/năm, chủ yếu qua cảng Cần Thơ và Mỹ Thới.

Quy hoạch phát triển cảng cạn đã bộc lộ nhiều bất cập

Theo Bộ Giao thông vận tải, quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn hiện nay đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể là tại mỗi khu vực Bắc, Trung, Nam xác định số lượng cảng cạn quá ít, không phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế đầu tư cảng cạn và cơ sở hạ tầng kết nối là do không đáp ứng tiêu chí cảng cạn phải được kết nối cảng biển ít nhất 2 phương thức vận tải để tạo điều kiện vận tải đa phương thức, ưu tiên vị trí cảng cạn gắn với phương thức có năng lực vận tải cao.

Một số địa phương có cảng biển nhưng do địa bàn rộng, khoảng cách từ một số vùng đến cảng biển là khá xa, có nhu cầu phát triển cảng cạn, có tiêu chí cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng chưa được quy hoạch phát triển cảng cạn.

Hiện nay, các cảng biển có diện tích kho bãi hẹp, có nhu cầu hình thành cảng cạn ngay tại khu bãi sau cảng, tại khu công nghiệp lân cận cảng biển để hỗ trợ năng lực thông qua hàng hóa nhưng chưa được định hướng phát triển tại Quy hoạch hiện hành.

Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề nghị đầu tư cảng cạn tại xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, do vị trí này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hình thành cảng cạn, nhưng chưa được quy hoạch.

Cần điều chỉnh để phù hợp

Trước sự bất cập trên, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch trên.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức nghiên cứu, lập điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu,thực hiện việc thoả thuận đầu tư xây dựng và công bố mở cảng cạn, bao gồm cả dự án đầu tư cảng cạn của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn theo quy định của pháp luật./.