Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện kế hoạch tháng 01/2016 cho biết, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Tình hình sản xuất nông nghiệp

Cả nước hiện nay đang tiến hành gieo trồng, chăm sóc lúa và hoa màu vụ đông xuân, bên cạnh đó, các tỉnh phía Bắc cũng đang tiến hành thu hoạch cây trồng vụ đông.

Tính đến 15/1, miền Bắc đã gieo cấy được 90,9 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 42,2% so với cùng kỳ. Miền Nam đã thu hoạch được gần 616 ngàn ha lúa mùa, chiếm 85,3% tổng diện tích xuống giống, nhanh hơn 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hoạch đạt gần 245,4 ngàn ha, chiếm 70,5% diện tích xuống giống và nhanh hơn 7,1% so cùng kỳ năm trước.

Tình hình chăn nuôi trong tháng phát triển ổn định, theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số trâu cả nước tăng khoảng 0,1%, tổng số bò tăng khoảng 1-1,5% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn phát triển tốt do trong tháng không xảy ra dịch lợn tai xanh, giá bán thịt hơi ổn định duy trì ở mức có lợi cho người chăn nuôi, tổng số lợn của cả nước tăng khoảng 2-2,5% so với cùng kỳ năm 2015. Chăn nuôi gia cầm được người dân đầu tư phát triển đàn để phục vụ thị trường Tết nguyên đán. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tăng khoảng 3-3,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Về sản xuất lâm nghiệp, tháng 01, các địa phương chủ yếu thực hiện công tác phúc tra, nghiệm thu và thanh quyết toán công tác lâm sinh như trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi, khoán bảo vệ rừng. Tính đến 20/01, số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 752 nghìn cây, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015; Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 359 nghìn m3, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước...

Về thủy sản, tình hình sản xuất tôm đang có nhiều dấu hiệu khả quan, tuy nhiên sản xuất cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn. Tổng sản lượng thuỷ sản tháng 01 ước đạt 407 ngàn tấn, tăng 2,4% so với năm 2015; trong đó sản lượng khai thác ước đạt 216 ngàn tấn, tăng 2,9%; Sản lượng nuôi trồng ước đạt 191 ngàn tấn, tăng 1,8% so với năm 2014.

Trong nước, thị trường lúa gạo các tỉnh ĐBSCL vẫn trầm lắng do nhu cầu tiêu thụ yếu, giá lúa giảm. Giá thu mua hạt điều thô tiếp tục tăng do thời điểm sát tết Nguyên đán, nhu cầu thu mua phục vụ chế biến tăng mạnh. Giá chè Thái Nguyên tăng nhẹ do nhu cầu của người tiêu dùng không tăng đột biến trong khi sản lượng chè tăng đáng kể so với mọi năm, trong khi đó giá chè nguyên liệu tại Lâm Đồng giảm bởi giá chè xuất khẩu ở mức thấp. Giá thu mua gà tại trại khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL tăng do nhu cầu tăng. Nguồn cung cá tra tương đối ổn định, giá cá tra nguyên liệu không có nhiều biến động, trong khi đó giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục biến động tăng do nguồn cung khan hiếm.

Xuất khẩu nông sản vẫn chưa khởi sắc

Trong bức tranh chung về nông nghiệp, đáng lo ngại nhất vẫn là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 01/2016, ước đạt 2,33 tỷ USD, giảm tiếp 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,16 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 455 triệu USD, giảm 8,8% và xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt 520 triệu USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trong tháng 01, xuất khẩu cà phê, cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn, mặc dù có số lượng xuất khẩu tăng song lại có sự sụt giảm về giá trị. Xuất khẩu cà phê ước đạt 149 nghìn tấn với giá trị đạt 264 triệu USD, tăng 8% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Tương tự, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 01 đạt 106 nghìn tấn với giá trị đạt 120 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng, nhưng giảm 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 01 ước đạt 445 nghìn tấn, với giá trị đạt 120 triệu USD, tăng 2,8% về khối lượng, nhưng giảm 16,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2015.

Trái ngược với tín hiệu tích cực của thị trường trong năm vừa qua, trong tháng 01 này, mặt hàng tiêu đã có sự giảm sút khá mạnh trong xuất khẩu. Theo đó, khối lượng tiêu xuất khẩu ước đạt 7 nghìn tấn, đạt giá trị 67 triệu USD, giảm 30,2% về khối lượng và giảm 31,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra, mặt hàng chè vẫn chứng kiến sự giảm sút cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng xuất khẩu chè tháng 01 ước đạt 9 nghìn tấn với giá trị đạt 15 triệu USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Pakistan vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam.

Các ngành xuất khẩu mũi nhọn, như: thủy sản, gỗ cũng có sự sụt giảm đáng kể. Xuất khẩu thủy sản tháng 01 ước đạt 455 triệu USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,9% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm lần lượt là 13,4% và 13,2%.

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cũng nằm trong xu thế giảm, tháng 01 đạt 489 triệu USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 67,6% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Hồng Kông (47,8%), Hoa Kỳ (18,1%), Trung Quốc (10%) và Đức (10,8%).

Trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh, thì chỉ duy nhất 02 mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu là gạo và hạt điều. Riêng mặt hàng gạo bật tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 01 ước đạt 495 nghìn tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46,0% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 với 30,65% thị phần.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo tăng ngay trong tháng đầu năm là do đáp ứng các hợp đồng tập trung mà Việt Nam đã ký trước đó với các nước Indonesia, Philippines từ năm trước chuyển sang. Theo các hợp đồng tập trung được ký kết lượng gạo giao sẽ kéo dài trong quý 1/2016, nên dự báo lượng gạo trong các tháng sắp tới sẽ vẫn ở mức cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nguyên nhân kéo kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm nhẹ trong tháng 01/2016 là do giá trị xuất khẩu của hàng loạt các mặt hàng giảm, như: cà phê, cao su, chè, tiêu, thủy sản..

Kim ngạch nhập khẩu nông sản tháng 01 năm 2016 ước đạt 2,33 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2015..

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định: “Thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong năm 2016 tiếp tục gặp nhiều khó khăn về giá và đầu ra. Ngành nông nghiệp tiếp tục giải quyết vướng mắc về rào cản an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu không lệ thuộc vào một vài thị trường lớn, giảm rủi ro khi xảy ra biến động”.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các tỉnh thành cần hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, phối hợp xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thỏa thuận với các nước nhập khẩu công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa./.