Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI là “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” và tiếp nối truyền thống “Đi trước mở đường”, thời gian qua, ngành Giao thông Vận tải đã đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực.

Chủ động vượt qua khó khăn, mở rộng hợp tác quốc tế

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2011-2015 là “xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông”, những năm đầu thực hiện, ngành Giao thông Vận tải phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Nguồn vốn đầu tư là yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển hạ tầng giao thông thì thiếu trầm trọng; thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24/02/2011 của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hàng trăm công trình giao thông phải dừng, đình hoãn, giãn tiến độ…

Bên cạnh đó, do Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp, nên nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bị giảm sút nghiêm trọng. Vốn ngân sách dành cho bảo trì hạ tầng giao thông rất thiếu, trong khi số lượng phương tiện vận tải tăng rất nhanh, xe quá khổ, quá tải, đã làm nhiều cầu, đường bộ xuống cấp nghiêm trọng…

Tuy nhiên, trên tinh thần “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, và tiếp nối truyền thống “Đi trước mở đường”, ngành Giao thông Vận tải đã đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực. Cụ thể là, trong 05 năm qua, có 50 điều ước quốc tế trong lĩnh vực giao thông vận tải được ký kết, gia nhập và thực hiện, đây thực sự là sợi dây gắn kết, tạo động lực thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, qua đó góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Có thể thấy, quan hệ hợp tác giao thông vận tải giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực và các nước có quan hệ đối tác chiến lược với nước ta ngày càng được củng cố, đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Đặc biệt, việc hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào thời điểm cuối năm 2015 đã đánh dấu một bước ngoặt trong hợp tác kinh tế thương mại ASEAN. Đồng thời, tạo ra cơ hội phát triển lớn cho giao thông vận tải các nước trong khu vực, cũng như Việt Nam. Cùng với đó, kinh tế ngày càng hội nhập, quan hệ giữa Việt Nam với các nước chưa có nhiều hợp tác với nước ta trong lĩnh vực giao thông vận tải, như: các nước châu Phi, Nam Mỹ... cũng dần được xác lập.

Bên cạnh đó, ngành Giao thông Vận tải đã từng bước thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng là: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc; Các nước trong Liên minh châu Âu; Các tổ chức quốc tế và các diễn đàn đa phương, như: Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO); và các tổ chức tài chính, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC)… thông qua việc hợp tác triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Phát triển toàn diện kết cấu hạ tầng giao thông

Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 04 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, ngành Giao thông Vận tải đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình lớn, quan trọng, như: các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; các đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; các cầu lớn, như: Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì; tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 51, Nam Sông Hậu, Quốc lộ 80 Mỹ Thuận - Vàm Cống; cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo; Nhà ga T2 Nội Bài, Pleiku, Đà Nẵng...; Cùng với đó, kết cấu hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn và các trung tâm kinh tế quan trọng được tập trung đầu tư, đảm bảo tính kết nối vùng miền, các trung tâm, đô thị, hải cảng thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta đã được đầu tư phát triển tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chuyên ngành, cụ thể:

Về lĩnh vực đường bộ. Hiện nay, mạng lưới đường bộ nước ta có khoảng 295.000 km (biểu đồ); 3.200 km đường Hồ Chí Minh; 704 km đường cao tốc; hệ thống đường tuần tra biên giới và bước đầu hình thành hệ thống đường hành lang ven biển.

Từ năm 2011 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng đường bộ kết nối với các nước láng giềng. Đặc biệt, với việc đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai vào tháng 09/2014 và cuối tháng 12/2015 đã đưa tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào sử dụng sẽ giúp hoàn chỉnh tuyến cao tốc Hải Phòng - Côn Minh (Trung Quốc), mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế dọc hàng lang vận tải quan trọng này.

Trong khuôn khổ kết nối đường bộ khu vực, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Đề án Tăng cường kết nối giao thông vận tải ASEAN, trong đó lĩnh vực đường bộ sẽ ưu tiên tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ thuộc mạng đường bộ ASEAN, đồng thời đưa các tuyến đường bộ cao tốc có hướng tuyến phù hợp vào khai thác như là một phần của mạng đường bộ ASEAN để tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng vận tải.

Về đường sắt, cùng với việc khai thác 2.600 km đường sắt nội địa, ngành Giao thông Vận tải đã và đang hợp tác hiệu quả với Trung Quốc trong việc tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách trên tuyến từ Hà Nội đi Côn Minh, Nam Ninh và các tuyến liên vận quốc tế trên cơ sở Hiệp định đường sắt biên giới Việt - Trung, cũng như các Hiệp định của Tổ chức Hợp tác đường sắt quốc tế mà hai bên cùng là thành viên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp với các nước ASEAN triển khai chương trình hợp tác xây dựng đường sắt xuyên Á, hiện đang có những chuyển biến tích cực. Vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã đồng ý hỗ trợ Việt Nam lập nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ - Thà Khẹc - Viêng Chăn.

Về hàng hải: Hiện nay, Ngành đang khai thác 31 cảng biển, với năng lực khai thác khoảng 470 triệu tấn hàng/năm. Bên cạnh đó, Ngành Giao thông Vận tải đã và đang tập trung phát triển các cảng biển cửa ngõ của Việt Nam ra Biển Đông, nơi có nhiều hành lang vận tải quốc tế. Đặc biệt là các cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn từ 50.000-100.000 DWT ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Phòng.

Về đường thủy nội địa: Bên cạnh việc quản lý, khai thác khoảng 19.000 km, vận tải thủy nội địa đang tích cực hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới, như: Campuchia, Trung Quốc. Đơn cử như: Hiệp định vận tải thủy giữa Việt Nam và Campuchia được ký năm 2009 và có hiệu lực từ năm 2011. Từ đó đến nay, hai nước đã làm thủ tục cho hàng trăm lượt tàu qua lại với gần 01 triệu tấn hàng hóa và hàng trăm nghìn khách qua lại giữa hai nước bằng đường thủy, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác chính trị, kinh tế - xã hội giữa Việt Nam và Campuchia; Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân với Trung Quốc đang được đàm phán, ký kết.

Về hàng không: Hiện đang khai thác dân dụng 22 cảng hàng không trên tổng số 26 cảng hàng không được quy hoạch với tổng công suất phục vụ của các cảng khoảng 70 triệu hành khách/năm. Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ở mức hai con số, đạt trung bình 14%/năm về hành khách và 17% về hàng hóa. Với kết quả này, thị trường hàng không Việt Nam được ICAO và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đánh giá là một trong bảy thị trường tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Với những nỗ lực, cũng như những thành tựu to lớn đạt được trong những năm qua, ngành Giao thông Vận tải đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đó chính là những thay đổi to lớn trong diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tai nạn và ùn tắc giao thông được kiềm chế, chất lượng dịch vụ vận tải từng bước được nâng cao...

Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua (2011-2015); Năm 2014, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,5/5 điểm, xếp thứ 48 trong bảng xếp hạng chỉ số LPI của thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2013. Tốc độ phát triển của thị trường logistics ở Việt Nam trung bình đạt từ 16%-20%/năm.

Đối với những người làm giao thông, đây chính là thước đo chính xác nhất cho những chuyển biến về lượng và chất của kết cấu hạ tầng, của đầu tư công, qua đó đóng góp trực tiếp vào việc làm giảm giá cước vận tải, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Sẵn sàng hội nhập quốc tế

Để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ của ngành Giao thông Vận tải trong thời gian tới còn hết sức nặng nề. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều cơ hội, cũng như thách thức đan xen, đòi hỏi ngành Giao thông Vận tải phải tiếp tục có những giải pháp mang tính đột phá mạnh mẽ hơn nữa. Ngành Giao thông Vận tải cần tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án Tái cơ cấu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tập trung vào việc triển khai sớm, có hiệu quả các đề án tái cơ cấu trong các lĩnh vực (tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu vận tải); hài hòa các phương thức vận tải gắn với thực hiện thành công các đề án xã hội hóa thu hút vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm, như: Sân bay Long Thành; cơ bản hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia; các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; những phân đoạn đầu tiên của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam… Đồng thời, ngành Giao thông Vận tải cũng cần tiếp tục tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đổi mới thể chế chính sách, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản. Đặc biệt phải xây dựng cơ chế tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn 2016 - 2020, cũng như đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, ngành Giao thông Vận tải xác định những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới trên từng lĩnh vực, như sau:

Đối với lĩnh vực đường bộ: Song song với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, cần tiếp tục triển khai cũng như chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc, nhằm mục tiêu đến năm 2020 có từ 2.000 km đến 2.500 km đường cao tốc để cơ bản nối thông cao tốc Bắc – Nam. Hoàn thành và tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu; Nâng cao khả năng khai thác của các tuyến cao tốc hiện có thông qua việc triển khai đầu tư các tuyến kết nối các đường cao tốc. Cơ bản nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (tiếp tục hoàn thành 601 km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến); Nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng; Tiếp tục đầu tư đường ven biển, đường hành lang và đường tuần tra biên giới.

Đối với lĩnh vực đường sắt: Tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có. Trong đó, ưu tiên tuyến Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80-90 km/h đối với tàu khách và 50-60 km/h đối với tàu hàng; Cải tạo, nâng cấp để nâng cao năng lực, chất lượng vận tải các tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn; Từng bước xóa bỏ các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, ưu tiên xây dựng nút giao khác mức tại nơi có lưu lượng giao thông lớn. Nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160-200 km/h. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như: Hà Nội - Vinh, TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đối với lĩnh vực hàng không: Tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế. Xây dựng các công trình để khai thác an toàn, có hiệu quả các cảng hàng không khác, đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Triển khai đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023 sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Đối với lĩnh vực hàng hải: Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận tàu công-ten-nơ thế hệ mới; Hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ khu bến cảng Lạch Huyện; Khuyến khích đầu tư nước ngoài phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; Hoàn thành Dự án xây dựng luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; Cải tạo, nâng cấp luồng vào các cảng biển quan trọng... đưa tổng công suất các cảng biển khai thác đạt khoảng 800 triệu tấn/năm vào năm 2020. Chú trọng đầu tư đảm bảo kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia, đầu mối logistics ở khu vực.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa: Đảm bảo chạy tàu 24/24h các tuyến đường thủy nội địa quan trọng; Ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc; Nâng cấp, xây dựng mới một số cảng chính, bến hàng hóa và hành khách; Phát triển vận tải sông pha biển.

Về giao thông đô thị: Tiếp tục phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; Đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị vào khai thác ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Về giao thông nông thôn: Duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thành toàn bộ 4.145 cầu dân sinh tại 50 tỉnh, thành phố phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vùng sâu, vùng xa.

Với những kết quả và định hướng nêu trên, cùng với truyền thống tốt đẹp đã được hun đúc, rèn luyện và thử thách suốt 70 năm qua, “đoàn kết, đoàn kết hơn nữa; nỗ lực, nỗ lực hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa” để hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao phó, trong bối cảnh hộ nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân./.