60 năm, Hà Nội đã và sẽ làm tất cả để xứng với vị thế của mình: Trung tâm hành chính-chính trị của cả nước, cùng với TP Hồ Chí minh là hai trung tâm kinh tế cả nước, là trung tâm văn hóa, khoa học, công nghệ và giáo dục,…Chẳng những thế, Hà Nội còn phải xây dựng Hà Nôi-Thủ đô “xanh- văn hiến- văn minh-hiện đại” như Quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội được Chính phủ phê duyệt cách đây hơn ba năm.

- Hà Nội của những danh hiệu cao quý: Trong 60 năm này, Hà Nội cùng cả nước đã trải qua biết bao biến cố lịch sử. Phải khôi phục sau chiến tranh chống Pháp; phải xây dựng phát triển trong mưa bom bão đạn, phải “thắt lưng buộc bụng” chi viện miền Nam,… rồi lại phải khôi phục sau những năm tháng đế quốc Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội. Hà Nội, “một thời đạn bom, một thời hòa bình” những năm 1965-1972, Hà Nội đã phải hứng chịu bom đạn của Mỹ, bị tổn thất không nhỏ về người và của, với những đợt B52 dải thảm bom ở Khâm Thiên, An Dương, nhưng Hà Nội (theo địa giới trước 1978) đã đứng lên chỉ trong 12 ngày đêm của Điện Biên Phủ trên không, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111, bắt sống nhiều giặc lái. Hà Nội đã trở thành “Thủ đô anh hùng”. “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”.

- Hà Nội của nhiều lần điều chỉnh địa giới, và hiện nay ( với diện tích là 3344,7 km2) Hà Nội trở thành một trong 16 thủ đô, thành phố lớn nhất thế giới.Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới (1961, 1978, 1991. 2008) với 3 lần mở rộng địa giới và 1 lần thu hẹp địa giới (1991). Cùng với điều chỉnh địa giới là những thay đổi về các đơn vị hành chính. Từ Hà Nội chỉ gồm 36 phố nội thành và 4 quận ngoại thành (1954), nay gồm 11 quận nội thành, 18 huyện và 1 thành phố ở ngoại thành. Hy vọng điều chỉnh địa giới 2008 là lần cuối cùng (chí ít đến 2050), chấm dứt tình trạng chỉ hơn bốn mươi năm (1961-2008) điều chỉnh tới 4 lần, bởi lần điều chỉnh 2008 đã được tính toán, cân nhắc thấu đáo trên cơ sở đáp ứng được nhiều nhất 9 tiêu chí như Nghị quyết 15-NQ-TW (ngày 15/2/2000) của Bộ Chính trị đề ra khi nghiên cứu mở rộng Hà Nội.

- Với Hà Nội mở rộng, Hà Nội trở thành Thủ đô có đồng bằng, có núi, có sông, nhiều diện tích mặt nước lớn, có tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp chiếm tới 45,8% trong tổng diện tích, đứng thứ 23/63 tỉnh về tỷ lệ này, ngay tỷ lệ này ở Đồng bằng sông Hồng cũng chỉ chiếm 37,7%; tỷ lệ đất lâm nghiệp cũng chiếm tới 7,2% (cả nước: 21,9%, riêng ĐB sông Hồng: 21,9%) đứng thứ 15/63 tỉnh. Tỷ lệ này chắc sẽ thay đổi với tỷ lệ đất phi nông nghiệp tăng lên (đất ở, đất chuyên dùng); tỷ lệ sử dụng đất này vừa là thách thức vừa là cơ hội để Hà Nội trong quy hoạch phát triển dài hạn phải tính đến phát triển sản xuất nông nghiệp với thực phẩm, hoa quả, cây cảnh hiệu quả cao, chất lượng sạch, phát triển du lịch sinh thái theo hướng phát triển nền kinh tế xanh, với các hành lang xanh, vành đai xanh, vùng đệm xanh.

- Hà nội có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản vật thể và phi vật thể, nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng tồn tại nhiều năm. Với trên 5000 di tích , trong đó có trên 42% đã được xếp hạng, đặc biệt cóp ba di sản văn hóa nhân loại là Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá tiến sỹ triều Lê-Mạc ở Văn Miếu-Quốc tử giám, Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc.Hà Nội có trên 1300 làng nghề truyền thống với 244 nghề truyền thống, gần 100 lễ hội, trong đó có các lễ hội lớn như chùa Hương, Cổ Loa, Phù Đổng. Để bảo tồn di sản văn hóa này, Hà Nội đã và đang bảo vệ, trùng tu, chọn lọc các di sản, …như là một nội dung của việc xây dựng Hà Nội “Xanh- Văn hiến- Văn minh-Hiện đại”, đồng thời cũng là một hướng phát triển ngành nghề. Đây cũng là một tiềm năng để phát triển du lịch.

- Hà Nội không còn là thành phố có tỷ lệ dân thành thị lớn nhất nhì trong cả nước. Dân số trung bình năm 2013 của Hà Nội: 6936,9 nghìn người, chiếm 7,7% dân số cả nước, mật độ 2087 người/km2 – đứng thứ hai, sau TP HCM cả hai chỉ tiêu này. Tỷ lệ dân số thành thị cả nước năm 32,2%, riêng Hà Nội: 43,2% , như vậy, Hà Nội có tỷ lệ dân số thành thị thấp hơn 6 tỉnh, thành khác (Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa- Vũng Tầu, Đà Nẵng , TP Hồ Chí Minh.Tất nhiên, tỷ lệ này sớm thay đổi do quá trình đô thị hóa ở Hà Nội có xu hướng nhanh hơn (năm 2008 mới có: 40,7%). Hà Nội, trong quá trình xây dựng và phát triển phải tính đến một tỷ lệ không nhỏ dân số sống ở nông thôn, do đó Hà Nội phải quan tâm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Tam nông, xây dựng nông thôn mới, đến uối 2013, Hà Nội đã có thành tích nổi bật với 236/401 xã đạt từ 10-19 tiêu chí, trong đó đã có 19 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hiện đại. Tỷ lệ dân số nông thôn tăng, và thêm những vùng núi, đồng bào dân tộc ít người, nên tỷ lệ số hộ nghèo ở Hà Nội cũng tăng (năm 2007, khi chưa mở rộng, tỷ lệ này ở Hà Nội chỉ có 2,9%, đứng thứ ba trong 64 tỉnh, thành về chỉ tiêu này. Nhưng sau khi mở rộng-năm 2008, tỷ lệ này là: 6,6%, đứng thứ 9 trong 63 tỉnh), tuy nhiên chỉ sau 4 năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống 3,6%, đứng thứ 6 trong 63 tỉnh- đây là một tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh ở nước ta.

- Hà Nội, nơi tập trung đông nhất đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuất, nơi tập trung nhiều viện nghiên cứu, trường đại học cấp quốc gia. Theo điều tra mẫu trong cuộc Tổng điều tra dân số 2009, trong khi cả nước có tỷ trọng dân số có bằng cao đẳng: 1,6%, có bằng đại học trở lên:4,4% , thì riêng Hà Nội các tỷ lệ này là: 2,5% và 13,3%, ngay TP Hồ Chí Minh là: 1,8% và 9,8%.Vấn đề sử dụng có hiệu quả vốn chất xám quý hiếm này là vấn đề đặt ra không chỉ trong cả nước và nhất là Hà Nội. Chúng ta hy vọng tiềm năng này sẽ được sử dụng có hiệu quả với việc sắp xếp lại , tổ chức lại cùng các cơ chế chính sách nhằm kết hợp giữa các viện, các trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học, với nơi đầu tư và sử dụng các kết quả nghiên cứu không chỉ nhà nước mà là xã hội hóa. Chúng ta, hy vọng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tương lai như Thung lũng Silicôn ở Hoa Kỳ, tuy triển khai chậm.

- Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đầu tầu thúc đẩy sự phát triển kinh tế cả nước. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng vài địa phương khác luôn có tốc độ tăng GDP trên 8%, thậm chí nhiều năm trên 10%. Riêng Hà Nội, tốc độ tăng GDP hàng năm từ 2005 đến 2013 bằng 1,6 lần mức tăng cả nước; năm 2013-năm nền kinh tế cả nước gặp rất nhiều khó khăn, Hà Nội vẫn giữ được tốc độ tăng: 8,25%, bằng hơn 1,5 lần mức tăng cả nước, còn 6 tháng đầu năm 2014 tốc độ tăng 7,4%. Không chỉ 2013 mà nhiều năm nay, Hà Nội luôn đóng góp trên 10% GDP cả nước (6 tháng đầu năm 2014 là 11%). Đóng góp dưới 9% tổng trị giá xuất khẩu cả nước.

Cơ cấu kinh tế Hà Nội vẫn là nền kinh tế dịch vụ và đang có xu hướng tăng (2013: 53,2%- tỷ lệ này chỉ còn kém TP Hồ Chí Minh: 58,4%), tiếp theo là khu vực công nghiệp-xây dựng; khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng giảm dần.

Sau 60 năm, nhất là từ giữa thập kỷ tám mươi đến nay, Hà Nội cùng cả nước bước vào công cuộc Đổi mới (1986), công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế có những biến đổi cơ bản về cơ cấu kinh tế, nhiều ngành nghề mới, sản phẩm mới có giá trị gia tăng, có sản lượng hàng hóa nhiều; nhất là Hà Nội đang chủ động, tích cực sáng tạo đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ . Trong khu vực công nghiệp-xây dựng chủ yếu là công nghiệp chế biến và không ít là các ngành sản phẩm công nghiệp kỹ thuật cao. Nhiều ngành, nghề mới, sản phẩm mới xuất hiện (sản phẩm công nghệ thông tin, lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi,…; và cũng có những sản phẩm mất đi và có lẽ một điển hình đó là Hà Nội không còn cơ sở sản xuất điện nào (trước thập kỷ sáu mươi, Hà Nội tự hào với Nhà máy Điện Yên Phụ, sản xuất điện năng chủ yếu cho cả miền Bắc và trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ Nhà máy điện Yên phụ còn là một biểu tượng anh hùng),…, nhưng có một số sản phẩm truyền thống vẫn giữ và phát triển như: sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc,…Sự thay đổi cơ cấu các ngành sản xuất đã dẫn đến bước đầu có thay đổi trong cơ cấu xuất khẩu, trước đây, nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng may, dệt tiếp theo là hàng nông sản, nhưng các năm gần đây đứng đầu là nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (năm 2013, nhóm này chiếm trên 19% trị giá xuất khẩu). Ngay trong ngành nông nghiệp xu hướng đa dạng hóa nông sản với năng suất cao và giá trị gia tăng cũng tăng thêm, như đàn bò sữa chủ yếu là giống mới với sản lượng sữa lên tới gần 23 nghìn tấn chiếm 5% sản lượng sữa bò cả nước (2013) tăng 22,8% so với năm trước; hay trong trồng trọt diện tích cây thực phẩm, hoa, cây cảnh (trước đây là rất không đáng kể) nay cũng thành tiêu chí cần thống kê. Tính đa dạng nông sản cũng có thể thấy rõ trong những năm gần đây xuất hiện nhiều giống hoa mới không chỉ là các giống hoa trong nam mà rất nhiều giống hoa nhập ngoại.

Sự biến đổi về cơ cấu kinh tế ở Hà Nội là sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt thành phần kinh tế ngoài nhà nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế-xã hội Hà Nội. Khoảng ¼ vốn đầu tư thực hiện của cả nước được thực hiện trên địa bàn Hà Nội, nhưng điều đáng nói hơn là nguồn vốn đầu tư trước đây chủ yếu là Nhà nước (gồm cả vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước) năm 2005 tới 45%, đến năm 2013 giảm xuống dưới 30%; vốn ngoài nhà nước cũng thời gian trên từ 40% tăng lên trên 50%, vài năm gần đây, kể cả 6 tháng đầu năm 2014 là trên 60%; chưa kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bằng những chính sách cụ thể và các cải cách hành chính nhất định, Hà Nội vẫn đứng thứ ba (sau TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tầu) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký còn hiệu lực đến 31/12/2013 hơn 22,4 tỷ USD bằng 9,6% của cả nước. Một khía cạnh khác, còn là sắp xếp lại và phát triển các khu công nghiệp mới, trong trung tâm Hà Nội không còn các nhà máy lớn nào, từ Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy rượu Hà Nội, rồi Cơ khí Trung quy mô,…tất cả đã chuyển hoặc xây dựng mới ở ngoại thành Hà Nội, thậm chí các tỉnh bạn.

Hà Nội là trung tâm du lịch, ngành du lịch phát triển đã thu hút được một lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2013, có trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội, chiếm gần ¼ khách quốc tế đến Việt Nam trong cả nước; 6 tháng đầu năm 2014, lượng khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội trên 1,1 triệu lượt người tăng 28,2% so với cùng kỳ. Khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Hà Nội, ngoài vào viếng Bác Hồ, là đến các di sản vật thể như Văn Miếu, Khu Hoàng thành Thăng Long và các Bảo tàng.Chỉ riêng Khu Hoàng thành Thăng long, năm 2013 đã có trên 200 nghìn người đến, còn những năm trước chỉ có 120-130 nghìn người.Thực ra, tiềm năng du lịch còn rất lớn mà ngành du lịch Hà Nội còn đang kỳ vọng.

- Hà Nội là thành phố có những bước tiến nhanh (tất nhiên còn thấp so với yêu cầu) về giải quyết cơ sở hạ tầng, đáng lưu ý đường giao thông trong nội thành và các vùng ngoại thành. Chỉ từ những năm 70 của thế trước đến nay, Hà Nội từ chỉ có một chiếc cầu Long Biên, thì nay đã có thêm các cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Thịnh, sắp tới là cầu Nhật Tân…Không kể đường dẫn lên cầu, các cầu đều có chiều dài vượt sông lớn, đâu chỉ vài trăm mét, như các cây cầu bắc qua sông Xen ở Thủ đô Pari, hay qua sông Đa Nuýp ở Thủ đô Buđapét. Các cầu vượt trong trung tâm thành phố, hoặc việc hạ cáp ngầm các đường dây điện, thông tin dẫn đầu cả nước, kể cả TP Hồ Chí Minh.đang được xúc tiến ; chưa kể các cầu nối Hà Nội với các tỉnh liền kề như cầu Trung Hà, cầu Sơn Tây (cầu Vĩnh Thịnh- cầu vượt sông Hồng dài nhất nước ta: 5487 mét, riêng cầu dài 4480 mét),…

- Hà Nội cũng còn quá nhiều những vấn đề cần giải quyết. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội vẫn không thỏa mãn với những gì đã đạt được về kinh tế-xã hội, bởi Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại cấn sớm giải quyết, đó là: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) còn thấp, năm 2013 xếp thứ 33/63 tỉnh, thành (trong khi năm 2005 đã từng đứng thứ 14/63), TP Hồ Chí Minh xếp thứ 10 và Đà Nẵng xếp số 1. Đành rằng Hà Nội “do có những đặc thù và khó khăn nhất định” như Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo trả lời Báo Tiền Phong số Xuân Giáp Ngọ. Hiệu quả sử dụng vốn chưa cao: các năm 2012-2013, ICOR tới 9,07 gấp hai lần mức chung của cả nước (!). Đóng góp TFP vào tăng trưởng kinh tế: 2000-2006: 22,93%, 2007-2012: 6,44% (!). Hà Nội gặp khó khăn không nhỏ do gia tăng dân số cơ học, sẽ là sức ép về cơ sở hạ tầng, về giải quyết công ăn việc làm; nhân nói về lao động có liên quan tới vấn đề dân số- tốc độ tăng tự nhiên dân số dưới 2%- một con số ấn tượng, nhưng với Hà Nội chênh lệch giới tính tăng cao ở Hà Nội cũng là vấn đề cần chú ý, khi tỷ lệ hợp lý 105-106 trai/ 100 gái, nhưng Hà Nội 2013: 114 trai.100 gái, còn 6 tháng đầu năm 2014 đã tăng lên 116 trai/ 100 gái. Vấn đề môi trường bị ô nhiễm cũng là vấn đề nhức nhối; Thứ hạng về Chỉ số phát triển con người ( 2010) Hà Nội xếp thứ tư trong cả nước*...

Bài báo nhỏ này không thể ghi nhận được hết các thành tựu Hà Nội đã đạt được trong 60 năm qua. Nhưng chúng ta tin rằng khát vọng Thủ đô “ xanh-Văn hiến- Văn minh-Hiện đại” sẽ sớm thành hiện thực./.

-----------------------
Ghi chú:

*Các số liệu trong bài báo này theo Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, của Cục Thống kê Hà Nội; Báo cáo Tính hình Kinh tế-xã hội tháng 12 năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 của Cục Thống kê Hà Nội.
Riêng về HDI, theo: Tổng cục Thống kê-Viện Khoa học Thống kê, Phương pháp và quy trình tính chỉ số phát triển con người cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố của Việt Nam, Nhà Xuất bản Thống kê, Hà Nội, 2012.do các tác giả: Ths. Nguyễn Văn Đoàn ( chủ biên), CN Cao Văn Hoạch, TS Nguyễn Quán, CN Nguyễn Văn Phẩm, CN. Lê Văn Dụy, CN. Bùi Thúy Vân, CN. Đinh Bá Hiến.

Nguyễn Quán
Hội Phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia