Áp dụng VietGap còn nhiều khó khăn

Để ngày càng hội nhập vào thế giới, thì ngành thủy sản Việt Nam phải có sản phẩm sạch, môi trường không bị ô nhiễm, đảm bảo sức khoẻ cho con người, nâng cao đời sống an sinh xã hội. Do đó, Chương trình VietGap trong nuôi trồng thủy sản đã được Tổng cục Thủy sản nghiên cứu xây dựng và triển khai áp dụng trong 5 năm qua (2011-2015). Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy phạm thực hành VietGap chủ yếu dành cho 3 đối tượng chủ lực: cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Nhằm khuyến khích các cơ sở áp dụng VietGap trong sản xuất, Tổng cục Thủy sản cũng đã rà soát các tiêu chí trong chứng nhận VietGap từ 67 giảm còn 49 tiêu chí và tiếp tục rà soát để thực hiện đơn giản hóa quy trình trong chứng nhận VietGap mà vẫn đảm bảo tiêu chí của các tổ chức chứng nhận quốc tế quy định.

Theo thống kê của Vụ nuôi trồng thủy sản, trong 5 năm triển khai thực hiện, tính đến 30/10/2015, cả nước có 75 cơ sở nuôi được chứng nhận VietGap trên tổng diện tích 686 ha. Trong đó, nhiều nhất là 42 cơ sở nuôi cá tra, diện tích 361 hecta, 23 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng (233 hecta), 3 cơ sở nuôi tôm sú, 2 cơ sở nuôi cá rô phi, 1 cơ sở nuôi cá lóc, 1 hợp tác xã hôi tôm càng xanh, 1 hợp tác xã nuôi cá song, 1 cơ sở nuôi lươn và 1 cơ sở nuôi cá điêu hồng.

Dù biết rằng ứng dụng VietGap được xem là hướng đi bền vững trong nghề nuôi thủy sản trong tương lai, nhưng hướng đi này vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn. Để đạt chứng nhận VietGap, cần đáp ứng đủ các tiêu chí đưa ra, đây là hạn chế đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, trình độ học vấn thấp. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn vì nguồn cá giống sản xuất từ cá tra bố mẹ được xác nhận chất lượng còn hiếm. Theo tiêu chuẩn VietGap, quy định cá tra giống phải được sinh sản từ đàn cá bố mẹ qua chọn lọc của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, nhưng nguồn cá này chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Bên cạnh đó, trong thực tế, ngoài bộ tiêu chuẩn VietGap, người nuôi cũng đã ứng dụng một số bộ tiêu chuẩn khác, như: ASC, GlobalGap, BAP… do có quá nhiều bộ tiêu chuẩn đã không chỉ làm rối cho người nuôi thủy sản, mà ngay cả những người làm công tác quản lý cũng cảm thấy lúng túng trong việc định hướng, hướng dẫn người nuôi thủy sản nên áp dụng theo bộ tiêu chuẩn nào cho hiệu quả.

Mặt khác, thực hiện VietGAP còn rất khó khăn do nội dung và tiêu chí đánh giá chưa phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là đối với người nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cá tra và cá rô phi nhỏ lẻ ở Đồng bằng sông Cửu Long, do chất lượng nước ao nuôi khó đảm bảo, mà đặc thù Đồng bằng sông Cửu Long sông ngòi chằng chịt, vùng nuôi chưa thể đầu tư tốt kết cấu hạ tầng, đa số phải sử dụng nguồn nước từ kênh rạch bị ô nhiễm.

Cần giải pháp gì?

Nhằm đồng bộ tiêu chuẩn VietGap với nhiều bộ tiêu chuẩn quốc tế và tham gia chương trình Tổ chức Sáng kiến nuôi trồng thủy sản bền vững toàn cầu (gọi tắt là GSSI), Tổng cục Thủy sản đã ký biên bản ghi nhớ với các tổ chức này để lập bản đồ so sánh đối chiếu, đánh giá và công nhận hài hòa lẫn nhau. Điều này nhằm giảm thiểu chi phí chứng nhận cho cơ sở nuôi đạt nhiều tiêu chuẩn khác nhau, cũng như khẳng định vai trò, vị thế của VietGap trong hệ thống chứng nhận quốc tế.

Cũng tại hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGap trong nuôi trồng thủy sản” tổ chức tại Cần Thơ, ngày 17/11/2015, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản khuyến nghị các tỉnh cần bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí hỗ trợ thực hiện áp dụng VietGap. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn chứng nhận, hướng dẫn cho người nuôi thực hiện áp dụng VietGap và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức chứng nhận và cơ sở nuôi đạt chứng nhận VietGap.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng, nếu nông dân Việt Nam không áp dụng VietGAP hay các tiêu chuẩn quốc tế khác thì trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, các sản phẩm nông sản sẽ bị loại ngay trên sân nhà do nhu cầu đòi hỏi về mặt chất lượng cao của người dân trong nước chứ chưa nói gì đến xuất khẩu để cạnh tranh trên thế giới. Vì vậy, cần thay đổi nhận thức và thói quen từ người sản xuất đến tiêu dùng, có sự kết nối với các bên tham gia trong chuỗi giá trị… Bên cạnh đó, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời Nhà nước cần có sự hỗ trợ ban đầu để giúp người dân quen dần với cách thức và phương thức sản xuất mới, hiện đại, từng bước ứng dung hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững (Thanh Hải, 2015)./.

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Hội thảo Áp dụng hiệu quả VietGAP trong nuôi trồng thủy sản, ngày 17/11, tại Cần Thơ

2. Thanh Hải (2015). Cá tra VietGap - cần phải thực hiện, truy cập từ http://thuysanvietnam.com.vn/ca-tra-vietgap-can-phai-thuc-hien-article-13973.tsvn