Thiệt hại 3.771 ha diện tích nuôi trồng thủy sản

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đến nay đã có 8/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long công bố tình trạng thiên tai do ảnh hưởng hạn hán và nhập nhập mặn, gồm: Kiên Giang, Long An, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vinh.

Do tác động của xâm nhập mặn khiến diện tích vùng nuôi thủy sản bị thu hẹp đáng kể. Riêng những vùng nuôi thủy sản ở hạ lưu sông Hậu thuộc tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang chịu ảnh hưởng nhiều nhất, nguy cơ phá vỡ các quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản là điều khó có thể tránh khỏi.

Đến thời điểm này, diện tích nuôi thủy sản thiệt hại là 3.771 ha, chưa kể diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại. Đặc biệt, Cà Mau có trên 70% diện tích nuôi thuỷ sản bị thiệt hại (2.700 ha), kế đến là Trà Vinh, Bến Tre có diện tích bị thiệt hại từ 30%-70%.

Cũng theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, do tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp. Có những vùng nước ngọt bị xâm mặn lên đến 5-8 phần nghìn. Hiện một số tỉnh, như: Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu do nắng nóng, mực nước đầm nuôi thấp, môi trường không ổn định, kết hợp với độ mặn tăng cao làm cho tôm bị sốc và chết. Do vậy, người dân nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn dè chừng, chưa dám thả tôm giống theo lịch thời vụ, mà chỉ nuôi thăm dò, dẫn đến diện tích nuôi giảm mạnh, chỉ đạt 50% so kế hoạch.

Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phòng chống hạn, xâm nhập mặn

Cần giải pháp thích ứng

Tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 18/03/2016, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Vũ Văn Tám cho rằng, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6 năm nay, dự báo về thị trường có nhiều biến động, con tôm của Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cần chú trọng đến hai khâu chất lượng và sản lượng, vì đó là thu nhập chính của bà con nông dân.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo tốt khâu quan trắc xâm nhập mặn để thông báo kịp thời đến người dân. Các địa phương và Tổng cục Thủy lợi phải có giải pháp cục bộ điều tiết nước ở các vùng thả nuôi; kiểm tra bám sát các đối tượng đang thả nuôi để ứng phó bằng những giải pháp kỹ thuật. Tăng cường các biện pháp tăng cao năng suất các loại hình nuôi… Đồng thời, đề xuất với Bộ bổ sung vốn năm 2016 tạo điều kiện hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn.

Để phát triển nuôi trồng thủy sản thích ứng với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh các giải pháp ứng phó ngắn hạn cũng cần xem xét, đánh giá lại quy hoạch nuôi tôm nước lợ và cá tra để có những bước điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả quy hoạch đối với các đối tượng nuôi này.

Ông Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, cho rằng, cần nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu một cách bài bản, căn cơ cũng như nghiên cứu về giống thủy sản phù hợp thích ứng với tình hình hạn, xâm mặn đang diễn ra hiện nay và trong tương lai. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động triển khai đắp đập, nạo vét kênh mương, vận hành hệ thống cống thủy lợi, chủ động điều tiết nước phục vụ nuôi trồng thủy sản (Kim Hà, 2016).

Giải pháp lâu dài cần rà soát quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo chủ động ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phòng chống hạn, xâm nhập mặn, công trình thủy lợi, hạ tầng cho phát triển nuôi trồng thủy sản của toàn Vùng.

Theo các chuyên gia, để nuôi trồng thủy sản hiệu quả, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, liên kết kiểm tra việc vận chuyển nhập giống thủy sản, chế phẩm sinh học, thức ăn nuôi tôm tràn lan trên thị trường; phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển nguồn tôm giống đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Các địa phương cũng cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đa dạng mô hình nuôi tôm sinh thái theo hình thức tôm-rừng, tôm- lúa, nuôi quảng canh cải tiến nâng suất cao… để giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị con tôm, tăng thu nhập cho người dân./.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016). Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức ngày 18/3, tại Cà Mau

2. Kim Hà (2016). Nguy cơ phá vỡ quy hoạch nuôi trồng thủy sản bởi xâm nhập mặn, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/nguy-co-pha-vo-quy-hoach-nuoi-trong-thuy-san-boi-xam-nhap-man/376924.vnp