6 tấn Salbutamol được tuồn ra thị trường

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc có biểu hiện giảm, nhưng vẫn diễn ra khá phức tạp. Đầu năm 2016, cơ quan chức năng đã kiểm tra 40 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở khu vực phía Bắc thì có đến 18 công ty vi phạm. Cục Thú y lấy 1.457 mẫu kiểm tra thì có 10% mẫu có chứa chất cấm, trong khi lấy 1.026 mẫu nước tiểu thì có đến 67 mẫu có chất salbutamol.

Hiện nay, theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an, mới xác định được chất salbutamol là một trong những loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Còn thực tế có thể còn nhiều loại chất khác mà cơ quan chức năng chưa phát hiện được. Trong năm 2015, các doanh nghiệp sản xuất thuốc được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu hơn 9 tấn chất salbutamol (chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thường gọi là chất tạo nạc), nhưng có đến hơn 6 tấn không được sử dụng vào sản xuất dược mà tuồn ra thị trường, cũng không loại trừ việc sử dụng vào chăn nuôi heo.

Lấy mẫu thịt tại chợ Cầu (Huyện Gio Linh) kiểm tra chất cấm

Bên cạnh đó, theo các cơ quan chức năng, việc xử lý đối với những trang trại sử dụng chất cấm và các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, môi giới buôn bán chất cấm mà “bỏ quên” lực lượng thương lái đứng đằng sau các trang trại là chưa triệt để. Bởi, thực tế việc sử dụng chất cấm thịt nạc hơn nên thương lái bán được giá hơn, vì vậy họ sẽ dụ dỗ người chăn nuôi sử dụng chất cấm để nuôi heo, trong khi đó, người chăn nuôi gia súc không được lợi bao nhiêu.

Từ 1/7/2016, buôn bán chất cấm có thể ở tù

Để chặn đứng tình trạng vì lợi nhuận người chăn nuôi sử dụng chất cấm, đầu độc đồng loại, tại buổi tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi - Thực trạng và giải pháp” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 23/3, Đại tá Trần Trọng Bình, Cục phó Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 25/02/2016 các sản phẩm chứa chất cấm khi phát hiện sẽ bị tiêu hủy.

Từ ngày 01/07/2016, Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước.

Các hành vi dùng chất cấm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm tù giam.

Ông Bình cho biết, với việc nâng cao khung hình phạt, cùng với các biện pháp quản lý chặt chẽ quy trình nhập khẩu và sử dụng chất thuộc nhóm beta-agonist, tình trạng sử dụng chất tạo nạc cấm trong thời gian tới sẽ được kiểm soát.

Hiện nay, nhu cầu tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trong chăn nuôi heo của người nông dân rất lớn, vì vậy, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, một giải pháp rất quan trọng đó là về mặt khoa học công nghệ cần nghiên cứu để tìm ra những chất có nguồn gốc thực vật hay vi sinh để có thể thay thế chất cấm này để tăng tỷ lệ nạc lên. Bên cạnh đó, chúng ta phải cải thiện khâu giống, khâu thức ăn chăn nuôi cũng rất quan trọng.

Hơn nữa, việc quy định danh mục chất cấm trong chăn nuôi heo nói riêng và trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung không phải chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Các bộ, ngành cần liên thông để tăng cường quản lý nhà nước, thống nhất thông báo các chất cấm trong lĩnh vực mình phụ trách. Chỉ khi nào hệ thống chính trị cơ cở vào cuộc thì việc loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi heo mới mang lại hiệu quả cao (Thành Trung, 2016).

Mới đây, theo kiến nghị của Cục Chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã ban hành Thông tư 01/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2012/TT-BNNPTNT ngày 07/11/2012 quy định việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi. Điểm mới Thông tư là từ 25/02, lực lượng chức năng nếu phát hiện gia súc, gia cầm sử dụng chất cấm sẽ được phép tiêu hủy ngay tại chỗ. Trước đó, nếu kiểm tra phát hiện heo nhiễm chất cấm, các đơn vị chỉ được theo dõi, xử phạt hành chính. Khi heo hết tồn dư chất cấm lại được giết mổ.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo Tuổi trẻ (2016). Tọa đàm Chất cấm trong chăn nuôi - Thực trạng và giải pháp”, tổ chức ngày 23/03, tại Hà Nội

2. Thành Trung (2016). “Tấn công” chất cấm trong chăn nuôi heo, truy cập từ vov.vn/tin-24h/tan-cong-chat-cam-trong-chan-nuoi-heo-492817.vov