Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá rét ở miền Bắc, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và sạt lở trên diện rộng, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng nặng nề cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến mức tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 178,8 nghìn tỷ đồng, giảm 1,32 % so với quý I/2015.

Có sự sụt giảm là do: Giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, nhưng chỉ đạt 137,0 nghìn tỷ đồng, giảm 2,55%, (riêng trồng trọt giảm 7%). Lâm nghiệp và thuỷ sản dù đạt mức tăng trưởng khá lần lượt là 6,32% và 2,34%, nhưng không đủ lực để kéo toàn bộ ngành khỏi suy thoái.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề do xâm ngập mặn

Trong quý I, hoạt động trồng trọt đạt giá trị sản xuất thấp ở mức 87,04 tỷ đồng, giảm 7% so với quý I/2015. Do rét buốt, băng giá tại các tỉnh phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt tại các tỉnh phía Nam đã làm diện tích gieo trồng các loại cây vụ đông xuân giảm so với cùng kỳ năm ngoái, như: diện tích gieo cấy lúa giảm 1,1%, ngô 5,3%, khoai lang 6,5%...

Chăn nuôi trong quý I cơ bản thuận lợi, giá bán sản phẩm chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm mặc dù vẫn xảy ra nhưng không lây lan rộng, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 47,34 tỷ đồng, giữ ở mức tăng ổn định 4,2%.

Sản xuất lâm nghiệp duy trì mức tăng cao và ổn định so với cùng kỳ các năm trước đạt 6,39 nghìn tỷ đồng, tăng 6,32% so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.613 nghìn m3, tăng 7% so với cùng kỳ, Ngoài ra, công tác trồng rừng mới tập trung tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 15,84 nghìn ha, tăng 30,9%.

Sản xuất thủy sản vẫn đạt tốc độ tăng trưởng không cao 2,34% do hoạt động nuôi trồng thủy sản gặp khá nhiều khó khăn, như: Cá chết do rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc và do thiếu oxy, nguồn nước bị ô nhiễm ở một số tỉnh phía Nam; Giá cá tra không ổn định và ở mức thấp. Tổng sản lượng thủy sản Quý I ước đạt 1.268 nghìn tấn, tăng 2,6%, trong đó: Sản lượng nuôi trồng ước đạt 548 ngàn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ; Sản lượng khai thác thủy sản đạt 730 ngàn tấn, tăng 3,4%.

Tại thị trường trong nước, trong tháng 3, giá nhiều mặt hàng nông sản chính đang diễn biến theo xu hướng tăng.

Cụ thể, giá lúa tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh do Trung Quốc đang đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam; Giá cà phê, cao su cũng diễn biến tăng cùng với xu hướng tích cực trên thị trường cao su thế giới. Đặc biệt giá cá tra có dấu hiệu tăng trở lại do nhu cầu thu mua của các nhà máy tăng nhưng nguồn cung cá trong hộ nuôi lại không còn nhiều. Giá lợn hơi ở các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao.

Tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản cũng có giá giảm, như: giá chè tại Thái Nguyên tháng qua giảm so với tháng trước do khí hậu ẩm ướt và ấm áp của mùa xuân tạo nguồn cung hứa hẹn. Giá hạt tiêu cũng có xu hướng giảm theo quy luật do là thời điểm đang thu hoạch rộ, lượng cung tăng lên.

Về xuất khẩu nông, lâm và thủy sản, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3 năm 2016 ước đạt gần 2,54 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 6,73 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 3,41 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015; Cụ thể: khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 năm 2016 ước đạt 629 nghìn tấn với giá trị đạt 274 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,59 triệu tấn với 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Indonexia vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần đạt 31,42%; Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 với 17,15% thị phần.

Xuất khẩu cà phê sau thời gian dài sụt giảm cũng đã tăng trưởng trở lại. Xuất khẩu mặt hàng này 3 tháng đầu năm 2016 đạt 479 nghìn tấn và 808 triệu USD, tăng 30,2% về khối lượng và tăng 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ước tính lượng cao su xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 233.000 tấn với 263 triệu USD, tăng 19,2% về khối lượng, nhưng giảm 6,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Khối lượng hạt điều xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 55.000 tấn với 416 triệu USD, giảm 1,7% về khối lượng, nhưng tăng 3,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Xuất khẩu thuỷ sản cũng đã phục hồi trở lại. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3 năm 2016 ước đạt 481 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2016 đạt gần 1,36 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 51,84% tổng giá trị xuất khẩu.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,57 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm 2016 đạt 1,49 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 65,98% tổng giá trị xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, ước giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong tháng 3 ước đạt 1,97 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 5,31 tỷ USD, giảm 3,9% so với năm cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 3,77 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước./.