Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp. Đến thời điểm 24/4/2016, đã có 15 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn. Tính đến thời điểm hiện nay, có 424,1 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt; 248,3 nghìn ha lúa, 18,9 nghìn ha hoa màu, 53,8 nghìn ha cây ăn quả, 105,2 nghìn ha cây công nghiệp và 5,7 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 6,4 nghìn tỷ đồng.

Hạn hán và ngập mặn tấn công miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2016, sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu vào chăm sóc cây trồng vụ đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam. Tính đến ngày 15/4, cả nước đã gieo cấy được 3.072,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,3% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.147,6 nghìn ha, bằng 99,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1.924,5 nghìn ha, bằng 99,1%.

Đến trung tuần tháng 4, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.585,8 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm hơn 80% diện tích xuống giống và bằng 95,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.426,3 nghìn ha, chiếm 92% diện tích gieo cấy và bằng 93,2%. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay đạt 67,2 tạ/ha, giảm 4 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 10,4 triệu tấn, giảm 700 nghìn tấn.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, chăn nuôi gia súc chịu ảnh hưởng của khô hạn ở miền Trung và hạn mặn ở miền Nam trong thời gian vừa qua, ước tính tổng số trâu cả nước tháng 4 giảm 1,5-2%, tổng số bò tăng khoảng 0,5-1% so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh đó, chăn nuôi gia cầm cũng bị ảnh hưởng diễn biến thời tiết nắng nóng phức tạp, nồm ẩm ở miền Bắc là môi trường thuận lợi để các chủng vi rút phát sinh. Vì vậy, người chăn nuôi gia cầm không tái đàn một cách ồ ạt, chỉ phát triển cầm chừng. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 4 tăng khoảng 3-3,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Sản xuất lâm nghiệp vẫn duy trì ở mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trồng rừng mới tập trung ước đạt 34,9 nghìn ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Trồng mới rừng sản xuất ước đạt 34,5 nghìn ha, tăng 1,1%. Trồng cây lâm nghiệp phân tán ước đạt 77,3 nghìn cây, tăng 1%. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2.106 nghìn m3, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động khai thác biển tương đối hiệu quả do thời tiết khá thuận lợi cho việc ra khơi, đồng thời giá các mặt hàng hải sản tương đối ổn định, giá xăng dầu giảm, hiện đang là thời gian vào vụ cá nam. Ước sản lượng khai thác thuỷ sản 4 tháng đạt 1.050 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khai thác biển ước đạt 1.003 nghìn tấn, tăng 3,3%. Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn gặp khó khăn, giá cá tra vẫn ở mức thấp, diện tích nuôi cá tra có xu hướng thu hẹp.

Điều kiện thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng rất lớn đến các hộ nuôi tôm. Nhiều diện tích tôm bị thiệt hại do dịch bệnh bởi độ mặn quá cao. Ước 2 sản lượng nuôi trồng thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 780 ngàn tấn tương đương cùng kỳ năm 2015.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 4 ước đạt gần 2,97 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2016 đạt 10,02 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,98 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,97 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,25 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Ở chiều ngược lại, ước tính giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong tháng 4 đạt 1,96 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2016 đạt 7,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với năm cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 5,18 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 4/2016, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ do các kho gạo của doanh nghiệp hiện đã đầy hàng nên việc thu mua lúa bị ngừng lại cộng thêm sức mua từ Trung Quốc cũng bắt đầu giảm.

Thời tiết thuận lợi và nguồn cung dồi dào khi chè bước vào thời điểm thu hoạch chính vụ đã đẩy giá chè tại Thái Nguyên trong tháng 4/2016 tiếp tục giảm so với tháng trước. Giá thu mua hạt điều tại Bình Phước giảm do đang là thời điểm cuối vụ thu hoạch, chất lượng hạt thấp. Giá cà phê trong nước tăng trong tháng do được hỗ trợ bởi xu hướng tăng giá trên thị trường Robusta kỳ hạn.

Giá tôm sú nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng do nguồn cung yếu. Giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam nhìn chung tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu lợn hơi từ Trung Quốc tăng. Giá gà lông màu bán tại trại tăng là do thời gian qua, giá cả đầu ra của gà thịt khá bấp bênh, nên người chăn nuôi giảm đàn khiến nguồn cung hiện tại tạm thời không nhiều./.