Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến an toàn thực phẩm, giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm.

Các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hình sự.

Trước ngày 20/5, Bộ Tài chính trình Thủ tướng phương án kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm theo hướng cho phép các địa phương sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Trước mắt, ứng trước 90% dự toán chi ngân sách Trung ương năm nay đã bố trí cho các dự án an toàn thực phẩm.

Trong chỉ thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; xác định việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của địa phương. Lãnh đạo các cấp từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Các địa phương phải đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan báo chí, trước hết là các cơ quan báo chí của Trung ương, của tỉnh, thành phố tăng cường tin bài, chuyên mục, chuyên trang, chương trình về an toàn thực phẩm; thông tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm.

Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm.

Đài Tiếng nói Việt Nam khẩn trương xây dựng và phát sóng chuyên mục về an toàn thực phẩm; phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường dung lượng, thông tin về an toàn thực phẩm, chú trọng việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Bộ đội biên phòng và các địa phương có cơ chế phù hợp (như đường dây nóng) để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí về vi phạm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm, kịp thời.

Trong chỉ thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu ngay trong năm nay các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét về bảo đảm an toàn, vệ sinh đối với các loại thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Trong đó, Bộ Công Thương tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát giả, kém chất lượng nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương quy định danh mục các chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc ngành hàng mình quản lý và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về chất đó đưa vào danh mục chất cần kiểm soát đặc biệt; đồng thời cần tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm.

Bộ Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm và chỉ đạo các địa phương tăng cường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, nhất là tại các khu công nghiệp, khu du lịch, lễ hội và sự kiện lớn./.