Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ năm 2015 đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng tiếp theo năm 2016, do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức ngày 12/5, tại Hà Nội.

Hậu quả nặng nề

Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El nino và biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết, thiên tai trên thế giới và trong cả nước diễn biến bất thường, cực đoan gây hậu quả nặng nề. Các vụ cháy nổ, cháy rừng tăng so với năm 2014; tai nạn trên biển, trên sông, sập đổ công trình, hầm lò xảy ra nhiều. Thiên tai đã làm 154 người chết, 127 người bị thương; trên 1.200 nhà bị đổ, sập, trôi; trên 35.000 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; trên 445.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 182km bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng trên 8.114 tỷ đồng.

Những ảnh hưởng do hiện tượng El nino đang ngày càng rõ nét

Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, diễn biến tình hình thời tiết càng phức tạp và khó lường, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh được tăng cường liên tục nên ở các tỉnh Bắc Bộ đến Nghệ An đã xảy ra rét hại trên diện rộng, nhiều nơi đã xuất hiện băng giá và mưa tuyết. Nhiệt độ thấp nhất ở miền Bắc trong đợt rét phổ biến dao động từ 3-6 độ C, Bắc Trung Bộ phổ biến dao động từ 6-8 độ C; nhiều nơi thuộc vùng núi cao giảm xuống dưới 0 độ C và đạt mức thấp nhất trong lịch sử.

Bên cạnh đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục diễn ra với mức độ nghiêm trọng. Trong đó, từ cuối năm 2015 đến nay, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có lượng mưa rất thấp. hạn hán đã xảy ra trên diện rộng ở Tây Nguyên (chiếm tới 70% diện tích canh tác của khu vực), trong đó các tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng, như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận,...

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ trung bình nhiều năm, phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km – con số chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn.

Thiên tai trong những tháng đầu năm 2016 đã làm 1 người chết, 41 người bị thương; trên 475.000 hộ dân bị thiếu nước; hơn 290.000 ha lúa, hoa màu và trên 161.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại; trên 64.000 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 7.100 ha thủy sản bị ảnh hưởng. Ước thiệt hại gây ra đã lên tới 9.735 tỷ đồng, cao hơn so với thiệt hai do thiên tai gây ra đối với cả năm 2015 (8.114 tỷ đồng). Con số cho thấy tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan và phức tạp, gây nhiều thiệt hại đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Trước tình hình thiên tai, tai nạn diễn biến phức tạp nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo ứng phó, khắc phục kịp thời. Sau thiên tai đã khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương, công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với sự cố thời gian qua còn nhiều hạn chế.

Trong công tác dự báo, việc quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, nhất là các hiện tượng thiên tai cực đoan, như: giông lốc, mưa lũ cục bộ vẫn còn khó khăn, vì mật độ các trạm quan trắc còn quá thưa, hệ thống quan trắc chưa đồng bộ, công nghệ dự báo còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính tự giác của doanh nghiệp, người dân trong phòng, chống thiên tai, sự cố, tai nạn. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ cao phục vụ chỉ đạo, ứng phó, hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực còn hạn chế.

Hơn nữa, những bất cập trong xây dựng kết cấu hạ tầng, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước… hay hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và khắc phục thiên tai.

Nâng cao nhận thức người dân để chủ động ứng phó

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, công tác phòng, chống thiên tai cần phải dựa vào nhân dân, chính quyền cơ sở là chính. Trong đó, việc đào tạo kỹ năng phòng, chống thiên tai cho cộng đồng rất quan trọng, nhất là các kỹ năng liên quan đến nước, sẽ có tác dụng không chỉ đối phó khi xảy ra thiên tai mà còn tác dụng cho xử lý các tình huống hàng ngày như tập bơi...

Đặc biệt, công tác dự báo cần kịp thời, chính xác, cụ thể và thông tin sâu rộng đến các cơ quan chức năng và người dân để chủ động trong chỉ đạo điều hành và ứng phó phù hợp. Chú trọng trang bị các thiết bị tiện dụng để phát huy hiệu quả như điện thoại, loa cầm tay, xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở và giao nhiệm vụ cụ thể trong việc truyền tin cảnh báo thiên tai ở các thôn, xã.

Chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chia sẻ với những khó khăn mà các địa phương phải gánh chịu do ảnh hưởng của thiên tai gây ra trong thời gian qua.

Để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với thiên tai, hạn chế rủi ro, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt công tác truyền thông, tuyền truyền nâng cao nhận thức của người dân để chủ động ứng phó, tự giác trong phòng ngừa thiên tai. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai, sự cố.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, như: Bổ sung, nâng cao chất lượng công tác dự báo; củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, bảo đảm an toàn hồ chứa; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền, di dời dân cư vùng thiên tai; xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống giám sát thông tin hồ chứa.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo theo dõi, vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ, đồng thời cần phòng, chống hạn hán; chỉ đạo dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt là lương thực và nước uống, sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.

Trong thời gian tới, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp chủ động ứng phó hiệu quả, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Cùng với đó, các địa phương trên cả nước cũng phải chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với lũ lụt do tác động của La Nina.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, rất cần kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương để phân rõ trách nhiệm của từng cá nhân, thành viên trong việc chủ động thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần tăng cường công tác thông tin dự báo đảm bảo chính xác, kịp thời. Các cơ quan chức năng liên quan cần làm tốt trong công tác hậu cần khi thiên tai xảy ra như về nhu cầu lương thực, thực phẩm, nước uống, đảm bảo hợp vệ sinh.