Thực trạng đáng báo động

Nhu cầu cà phê toàn cầu đang tăng, trong khi năng suất cà phê tại Việt Nam có giảm đi, dù Việt Nam đang thực hiện các chương trình tái canh và áp dụng các giống cà phê mới với năng suất cao. Sản xuất cà phê ở Việt Nam đang gặp khó khăn do tình trạng khan hiếm nước và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, nước tưới là điều kiện tiên quyết để việc sản xuất cà phê mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện sản xuất cà phê đang chịu ảnh hưởng nặng do hạn hán tồi tệ nhất suốt ba thập niên qua. Thiếu nước, khô hạn đe dọa trên 165.000 ha (gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên), trong đó, 40.000 ha thực tế đã bị chết.

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Vicofa cho biết, bình thường Tây Nguyên đã thiếu nước, nhưng tình trạng năm nay (năm 2016) trầm trọng hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu cà phê. Dự kiến năm 2016, Việt Nam chỉ có 1 triệu tấn cà phê nhân để xuất khẩu, giảm 25% so với năm 2015. Lượng tồn kho trong dân không còn nhiều như các nguồn thông tin nước ngoài đã đưa (Lan Anh, Quỳnh Nga, 2016).

Trong giai đoạn 2011-2013, mỗi năm Việt Nam thu hoạch và xuất khẩu 1,5-1,6 triệu tấn cà phê. Nhưng từ 2 năm trở lại đây, do hạn hán và tình trạng nhiều vườn cây cà phê đã già cỗi, khiến sản lượng cà phê của nước ta liên tục sụt giảm.

Tây Nguyên là khu vực trồng cà phê chính của Việt Nam, nhưng tình trạng hạn hán kéo dài đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành cà phê vốn có tập quán canh tác dựa vào nguồn nước. Mực nước trên các sông suối ở khu vực này đã tụt xuống rất thấp, các hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ chỉ còn 30%-40% dung tích thiết kế, nhiều hồ thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hiện nay Tây Nguyên đã có 40.137 ha cà phê bị ảnh hưởng nghiêm trọng (3.000 ha cà phê mất trắng và thiệt hại trên 70%, 4.038 ha thiệt hại từ 30%-70%) và 2.290 ha hồ tiêu bị ảnh hưởng do tình trạng khô hạn kéo dài. Theo dự báo, tình hình EI-Nino vẫn tiếp tục ảnh hưởng trong các tháng tiếp theo ở miền Trung và Tây Nguyên, nguy cơ nắng nóng sẽ diễn ra trên diện rộng. Lượng mưa được nhận định là thiếu hụt nhiều hơn so với mọi năm. Tại Tây Nguyên, dòng chảy các sông và hồ chứa vẫn tiếp tục thiếu hụt, khả năng diễn ra trên diện rộng (Lê Quang Toàn, 2016).

Bên cạnh đó, sự suy giảm mực nước ngầm do hoạt động tưới nước dư thừa đối với cây cà phê trong mùa khô đã gây ra tình trạng khô cạn nguồn nước tưới ở nhiều địa điểm tại các khu vực 5 tỉnh của Tây Nguyên, bao gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Lượng nước tưới dư thừa đối với cà phê Robusta bị giữ lại tạm thời trong đất và không thể sử dụng trong mùa khô được nữa. Tập quán sử dụng nhiều nước trong canh tác cà phê khiến nguồn nước ngày càng cạn kiệt và là nguyên nhân chính của sự phát triển không bền vững của ngành này tại Tây Nguyên. Ước tính trung bình nông dân Tây Nguyên sử dụng nhiều hơn 60% lượng nước cần để tưới cây trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm.

Việt Nam có thể sản xuất nhiều cà phê hơn với ít nước tưới hơn

Để hạn chế tình trạng thiếu nước tưới đang ngày càng trầm trọng đối với việc trồng cà phê của Việt Nam, đã có nhiều tổ chức trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu tìm ra giải pháp. Trong đó, một dự án hướng tới giảm lượng nước tưới trong sản xuất cà phê tại Việt Nam đã được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Neuchatel (UniNE) - Thụy Sỹ, bao gồm: Tiến sỹ Ellen Milnes, Tiến sỹ Francois Negro, Thạc sỹ Stephan Studer, Tiến sỹ Dave D‘haeze và Giáo sư Pierre Perrochet với sự tài trợ của SDC (Cơ quan Hợp tác Phát triển của Thụy Sỹ) và Tập đoàn Nestle, do Công ty EDE Consulting thực hiện trong giai đoạn 2014-2019, tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Dự án kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp Việt Nam có thể sản xuất nhiều cà phê hơn với lượng nước tưới ít hơn.

Theo đó, mục tiêu của Dự án là:

(i) Công tác quản lý nguồn nước được cải thiện: Nguồn cung và nhu cầu về nước được định lượng tại tỉnh Đắk Lắk; tác động của hoạt động sản xuất cà phê đối với tài nguyên nuớc được đánh giá; xác định được những điểm nóng về tình trạng thiếu nước; xây dựng, thực hiện và giám sát Kế hoạch hành động về nước tại 2 tiểu lưu vực thí điểm;

(ii) Hệ thống cảnh báo sớm thời tiết hỗ trợ tối ưu hóa quản lý vườn cà phê: Một hệ thống cảnh báo sớm thời tiết được thiết kế, thử nghiệm và triển khai tại một tỉnh Tây Nguyên nhằm hỗ trợ tối ưu hóa quản lý vườn cây;

(iii) Nhân rộng thông qua các khóa tập huấn nông dân: 50.000 nông dân sản xuất quy mô nhỏ và có điều kiện sống khó khăn tại 5 tỉnh sản xuất cà phê trọng yếu bị thiếu thông tin có thể sản xuất cà phê đạt hiệu quả kinh tế và đặc biệt là sử dụng nước hiệu quả; tiếp cận sự hỗ trợ kỹ thuật tiên tiến về quản lý nước và các phương pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất cà phê Robusta, từ đó tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp;

(iv) Vận động chính sách: Dự án là mô hình cụ thể thực hiện chủ đề hiệu quả của nước trong các cuộc tranh luận chính sách quốc tế; thuyết phục được các nhà xây dựng chính sách có liên quan bằng kết quả hoạt động của Dự án.

Dự án đã triển khai nhiều phương pháp phân tích hiện trạng nước tưới tại các khu vực trồng cà phê ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, quá trình tưới cà phê chịu sự chi phối bởi 3 nguyên lý cơ bản, đó là: cân bằng nước trên diện rộng (theo không gian), cân bằng nước theo mùa, sự tích trữ nước ngầm (một phần của sự cân bằng nước theo mùa) (Bảng).

Bảng: Chu trình tích trữ nước ngầm

Nguồn: Kết quả của nhóm nghiên cứu Đại học Neuchatel (UniNE) - Thụy Sỹ

Thách thức chính của phương thức tưới mới này là bài toán về không gian và thời gian. Để giải quyết bài toán này, phương pháp cần được thực hiện theo 2 bước: trên phạm vi cấp tỉnh và trên phạm vi cao nguyên bazan.

Trong đó, nghiên cứu trên phạm vi cấp tỉnh cho thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa việc sử dụng đất và địa chất: 86% diện tích canh tác cà phê nằm trên cao nguyên bazan. Các điểm nóng về tình trạng khan hiếm nước chủ yếu nằm ở các khu vực trồng cà phê có tưới trên nửa phía Đông cao nguyên bazan. Phương thức tưới cà phê hiện tại dẫn đến tình trạng khan hiếm nước cao hơn so với phương thức tưới hiệu quả nhất.

Nghiên cứu trêm phạm vi cao nguyên bazan, qua quan sát không thấy có khuynh hướng giảm mực nước dài hạn. Mực nước giảm trong mùa khô là nguyên nhân dẫn đến cạn nước ở các giếng đào và có tương quan với: vị trí giếng và phương thức tưới. Lượng nước tưới dư thừa tạm thời bị giữ lại trong đất và chưa thể sử dụng trong suốt mùa khô đó. Các điểm nóng về tình trạng thiếu nước tập trung ở các vùng có cao trình cao hơn trong khu vực cao nguyên và khu vực phía Đông (Krông Búk, Buôn Hồ, Krông Năng).

Trên cơ sở thực tiễn, phân tích và nghiên cứu hiện trạng, Dự án đưa ra tác động dự kiến là tiết kiệm được lượng nước tương đương với mức tiêu thụ sinh hoạt hộ gia đình hàng năm cho 25 triệu người sử dụng nước (28% dân số cả nước). Nếu giả định là 120 lít/ngày/người đối với sử dụng sinh hoạt gia đình, 500.000 (100%) nông dân sản xuất cà phê giảm lượng nước tưới: 1.000 (tưới theo cách thông thường) còn 400 lít/cây/lần tưới (-60%), thì chắc chắn sẽ tiết kiệm được 1 tỷ m3 nước.

Nghiên cứu cho thấy, có thể giảm ít nhất khoảng 30% lượng nước tưới cà phê so với phương thức tưới hiện nay. Phương thức mới này có thể đảm bảo lượng nước sẵn có đầy đủ và công bằng cho tất cả các đối tượng sử dụng nước ở khu vực Tây Nguyên, tiết kiệm nước chủ yếu bằng phương pháp quản lý nước tưới tiến bộ trong ngành cà phê; đồng thời, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân và bảo vệ môi trường.

Do vậy, có thể thấy, việc thay đổi từ phương thức tưới truyền thống sang phương thức tưới hiệu quả nhất, nhằm giảm nguy cơ khô cạn ở các giếng đào, đặc biệt chú trọng đến các điểm nóng về tình trạng khan hiếm nước - những nơi có tác động lớn nhất là giải pháp cần thiết. Đồng thời, tại các địa phương trồng cà phê, chính quyền và người dân cần thường xuyên theo dõi, quan trắc các tiểu lưu vực khan hiếm nước nhằm đánh giá tác động của các phương thức tưới đối với nguồn nước. Ngoài ra, nên nhân rộng phương pháp lập bản đồ các điểm nóng về khan hiếm nước ở các vùng cao nguyên bazan khác có các đặc điểm tương tự trong khu vực Tây Nguyên để có những giải pháp chủ động đối phó./.

Tài liệu tham khảo:

1. Công ty E.D.E. Consulting - Văn phòng Đại diện Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (2016). Dự án hướng tới giảm lượng nước tưới trong sản xuất cà phê tại Việt Nam

2. Lê Quang Toàn (2016). Cả hệ thống chính trị vào cuộc chống hạn ở Tây Nguyên, truy cập từ http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Viet-nam-tren-duong-doi-moi/2016/38221/Ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-chong-han-o-Tay-Nguyen.aspx

3. Lan Anh - Quỳnh Nga (2016). Xuất khẩu cà phê: Khó khăn bởi hạn hán, truy cập từ http://baocongthuong.com.vn/xuat-khau-ca-phe-kho-khan-boi-han-han.html