Thị trường thuốc bảo vệ thực vật: nhiều vi phạm

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nông nghiệp đến năm 2015 đã lên tới 1.699 hoạt chất, trong khi, các nước trong khu vực chỉ có khoảng từ 400-600 loại hoạt chất, như: Trung Quốc 630 loại, Thái Lan 400-600 loại...

Từ năm 2011 đến nay, hàng năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000-100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, thuốc trừ sâu chiếm 20,4%, thuốc trừ bệnh 23,2%, thuốc trừ cỏ 44,4%, các loại thuốc bảo vệ thực vật khác, như: thuốc xông hơi khử trùng, bảo quản lâm sản, điều hòa sinh trưởng cây trồng chiếm 12%. Khối lượng và chủng loại thuốc bảo vệ thực vật trên đã vượt gấp nhiều lần nhu cầu sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.

Qua những con số trên có thể thấy, Việt Nam là một trong số những nước có lượng tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật rất lớn.

Điều đáng nói, hầu hết thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, tình trạng thuốc giả, nhái và thuốc nhập lậu tràn lan trên thị trường cũng là một vấn đề “nhức nhối” trong vấn đề quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo số liệu của thanh tra Cục Bảo vệ thực vật, hàng năm lực lượng này đã phát hiện và xử phạt gần 3.000 trường hợp vi phạm về kinh doanh, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp với số tiền khoảng 4 tỷ đồng/năm, trong đó có đến 40% số vi phạm về sản xuất thuốc bất hợp pháp, kinh doanh thuốc cấm, thuốc giả, thuốc bảo vệ thực vật không đạt chất lượng và các vi phạm về nhãn mác, thuốc không rõ nguồn gốc…

Hơn nữa, hiện nay, trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam đã có gần 4.100 tên thương phẩm của gần 1.700 hoạt chất và hỗn hợp các hoạt chất. Với số lượng tên thương phẩm trong Danh mục nhiều như vậy đã và đang gây khó khăn cho nông dân và các cán bộ địa phương trong lựa chọn, khuyến cáo sử dụng thuốc.

Bên cạnh đó, quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là một vấn đề lớn trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong ngành nông nghiệp. Thực tế ở nước ta những năm qua cho thấy không ít hiện tượng một số người làm sản xuất nông nghiệp vì sợ mất năng suất và lợi nhuận thu được đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy định... không theo khuyến cáo của bất kỳ cơ quan chức năng hoặc chuyên môn nào, nên khiến việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật càng trở nên nguy hiểm. Nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời gian, đúng liều lượng và đúng cách) gần như không được áp dụng. Theo các chuyên gia nông nghiệp, có tới 80% thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí.

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

Trong năm 2014, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của 13.912 hộ nông dân và phát hiện số hộ vi phạm trên 4.167 hộ (chiếm 29,9%). Các vi phạm chủ yếu là không bảo đảm lượng nước, không có bảo hộ lao động, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nồng độ, liều lượng, bao bì sau khi sử dụng vứt bừa bãi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng thời điểm, không bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch, đổ thuốc thừa không đúng nơi quy định, sử dụng thuốc không đúng đối tượng cây trồng, sử dụng thuốc ngoài danh mục. (Nguyễn Hạnh, 2015).

Dẹp loạn thị trường thuốc bảo vệ thực vật

Để khắc phục những mặt tồn tại của thuốc bảo vệ thực vật, cần kiểm soát tốt việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, do vậy, ngày 21/04/2016 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT, về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam và công bố mã HS đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nông nghiệp gồm 1.710 hoạt chất, trong đó có 775 hoạt chất thuốc trừ sâu với 1.678 tên thương phẩm, 608 hoạt chất thuốc trừ bệnh với 1.297 tên thương phẩm, 227 hoạt chất thuốc trừ cỏ với 694 tên thương phẩm, 50 hoạt chất thuốc điều hòa sinh trưởng với 142 tên thương phẩm…

Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có 29 hoạt chất. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 06/06/2016.

Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng ra thông báo về việc tạm dừng đăng ký một số loại thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể, đơn vị này sẽ tạm dừng cấp giấy phép khảo nghiệm, đăng ký thuốc bảo vệ thực vật có chứa một trong các hoạt chất: Glyphosate, Diazinon, Malathion, Tetrachlorvinphos kể từ ngày12/04/2016 đến hết ngày 31/12/2016.

Những thay đổi mang tính kỹ thuật trên tập trung theo đúng trọng tâm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành bảo vệ thực vật; kiểm tra chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, không để lọt đối tượng kiểm dịch thực vật.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, cần thiết phải minh bạch hóa các thông tin về tính độc hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe con người và môi trường nông thôn, đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách có ý thức. Khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP….Về lâu dài, các địa phương nên vận động và hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP…. Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững./.

Tài liệu tham khảo:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016). Thông tư số: 03/2016/TT-BNNPTNT, ngày 21/04/2016 về Ban hành Danh mục Thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam; Công bố mã HS đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam

Nguyễn Hạnh (2015). Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Nhiều bất cập, truy cập từ http://baocongthuong.com.vn/su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-nhieu-bat-cap.html