Một thực tế buồn là dù nông nghiệp Việt Nam là nơi tạo việc làm cho trên 70% dân cư, góp phần vào ổn định và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tuy nhiên, khả năng thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu tư vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm 5,4%-5,6% trong tổng mức đầu tư của toàn xã hội. Chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro và khả năng thu hồi vốn rất chậm này.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp cũng chỉ trên dưới 1%. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 03 tháng đầu năm 2016, cả nước có 530 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp với vốn đầu tư đạt 3,7 tỷ USD, chiếm 2,9% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn FDI của cả nước.

Tuy vậy, quy mô vốn trung bình của dự án trong ngành nông nghiệp chỉ khoảng 7 triệu USD/dự án. Không những ít, phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, như: trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Vốn đầu tư cho các ngành chế biến nông sản, thủy sản rất ít.

Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp

Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư là vướng mắc về cơ chế chính sách trong nông nghiệp, nông thôn. Trong số đó, vướng mắc lớn nhất là các rào cản thủ tục quy định, vấn đề đất đai, tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này.

Trước thực trạng trên, để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh nông nghiệp cả về điểm số và thứ hạng. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2017 đạt mức trung bình trên các chỉ tiêu xếp hạng về môi trường kinh doanh và đến năm 2020 đạt mức trung bình trên các chỉ tiêu thông lệ quốc tế. Đồng thời, xây dựng và thực thi hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2017-2020 mỗi năm tăng thêm khoảng 10% số lượng doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo chiếm khoảng 20%-30%.

Trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp hai nghị quyết trên đặt ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, nhóm giải pháp về tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, ngành sẽ rà soát, công khai hóa và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch sản xuất thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công.

Thứ hai, nhóm giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và thị trường. Bộ sẽ hỗ trợ mở cửa thị trường nông lâm thủy sản xuất khẩu, bảo vệ thị trường trong nước khỏi tác động xấu của hội nhập; sửa đổi và thực thi chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện liên kết trong sản xuất - kinh doanh, tiếp cận tín dụng và đất đai. Bên cạnh đó, duy trì thường xuyên việc đối thoại với doanh nghiệp để tiếp thu kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế của ngành và giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.

Thứ ba, cải cách hành chính. Cụ thể, Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các lĩnh vực chuyên ngành thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tránh chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị; thực thi các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy quyết tâm của Bộ này trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của ngành, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, cần có sự chỉ đạo tốt trong khâu thực thi nhằm triển khai đúng với chỉ đạo của Chính phủ./.