Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đến năm 2020 do Bộ Giao thông vận tải báo cáo, ngày 07/7/2016.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện đã đưa vào khai thác 4 tuyến, tổng chiều dài 171km

Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ 31 tuyến, với tổng chiều dài 6.411km.

Cụ thể bao gồm: tuyến cao tốc Bắc - Nam kết nối các vùng kinh tế từ Bắc đến Nam (2 tuyến, chiều dài 3.083km); hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc (14 tuyến kết nối với thủ đô Hà Nội, chiều dài 1.368km); hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên (3 tuyến, chiều dài 264km); hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam (7 tuyến, chiều dài 983km) và đường Vành đai TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (5 tuyến, chiều dài 723km).

Về tình hình đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện đã đưa vào khai thác 4 tuyến, tổng chiều dài 171km (Pháp Vân - Cầu Giẽ (30km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (40km), TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (51km); các tuyến đang triển khai thi công dài 302km, gồm các tuyến La Sơn - Túy Loan (dài 66km), Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 127km), Bến Lức - Long Thành (dài 55km), Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 54km).

Như vậy, nếu tính các dự án đã hoàn thành, các dự án đang triển khai, thì đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 473km.

Điều đó có nghĩa là, để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.304km, trong đó để thông tuyến đoạn Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh phải đầu tư hoàn thành 1.280km (tính theo chiều dài các tuyến cao tốc đang chuẩn bị đầu tư).

Thời gian đến năm 2020 chỉ còn 4 năm nữa, theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, bình quân 1 năm phải làm được 300km đường cao tốc, tương ứng với suất đầu tư 1km với 170 tỷ đồng (51.000 tỷ/năm).

Có thể nói mục tiêu đặt ra là rất lớn và số vốn để thực hiện mục tiêu cũng không hề nhỏ, trong bối cảnh nền kinh tế đang nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư đang rất hạn hẹp.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí về sự cần thiết và cho rằng, công trình này không thể trì hoãn. Công trình có vai trò bảo đảm cho nền tảng phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mục tiêu tạo ra bước đột phá về hạ tầng giao thông đô thị, trong đó đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam, tập trung đến năm 2020 hoàn thành cơ bản tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Theo Phó Thủ tướng, nếu hoàn thành cơ bản được tuyến cao tốc này sẽ là tiền đề để xây dựng các tuyến đường cao tốc khác, hiện thực được mục tiêu năm 2020 đạt và vượt 2.000 km cao tốc đã đề ra.

Về nguồn vốn cho dự án, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới ngân sách Nhà nước cần bố trí thỏa đáng để tạo “vốn mồi” thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển tuyến đường cao tốc này theo hình thức PPP, trong đó bảo đảm nguồn vốn từ xã hội phải lớn hơn vốn ngân sách Nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính tính toán để đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn của Nhà nước, bảo đảm thời gian thu phí, mức phí hợp lý, đồng thời bảo đảm sự hấp dẫn để thu hút các đầu tư trong nước và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án chi tiết về phát triển đường cao tốc, tập trung vào cao tốc Bắc-Nam về phía Đông do Bộ Giao thông vận tải chủ trì.

Sau khi Bộ Giao thông vận tải xây dựng xong Đề án, gửi các bộ liên quan để cụ thể hoá từng vấn đề, trong đó có mục tiêu, sự cần thiết, quy mô… nói rõ cơ chế huy động nguồn lực.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp các bộ, ngành liên quan tính toán tổng mức đầu tư từng dự án, kiểm soát chất lượng các dự án, xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư./.