Trong đó ưu tiên cho các ngành: Nông nghiệp và Công nghiệp chế biến thủy sản, các ngành công nghiệp khác, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn Tp Cao Lãnh, Tp Sa Đéc, TX Hồng Ngự, các dự án về Du lịch, thể thao và Giáo dục.

Đồng Tháp thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 165km về phía Tây Nam, có hệ thống giao thông đường bộ rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Đó là quốc lộ 30, 54, 80 đi qua, tuyến đường N1, N2 đã đưa mạng lưới giao thông của Đồng Tháp hoàn chỉnh và thông suốt hơn. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường thủy cũng đóng vai trò rất quan trọng, từ hai nhánh sông Cửu Long đã hình thành 02 bến cảng đáp ứng việc bốc dỡ hàng hóa cho Doanh nghiệp. Với nguồn nước ngọt dồi dào đã đem lại sự trù phú cho vùng đất được mệnh danh là “đất lành chim đậu”, với những mặt hàng nông, thủy sản thuộc loại chiến lược quốc gia.

Nắm bắt được lợi thế đó, Sở Kế Hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với các ban ngành, địa phương rà soát và bổ sung thêm những danh mục trong dự án kêu gọi đầu tư cho giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó ưu tiên cho các ngành: Nông nghiệp và Công nghiệp chế biến thủy sản, các ngành công nghiệp khác, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn Tp Cao Lãnh, Tp Sa Đéc, TX Hồng Ngự, các dự án về Du lịch, thể thao và Giáo dục. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư những hạng mục ngành nghề trên sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi về: Tiền thuê đất, thuế hàng hóa, thuế thu nhập, được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp…


Chế biến thủy, hải sản

Được biết từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút 35 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 12 nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý là sự góp mặt của các nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn tài chính Dialog Nga, Đoàn doanh nghiệp tỉnh Samara – Nga, Tập đoàn Đất Xanh, VinGroup, Hoàn Mỹ v.v. Cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 09 dự án mới: nhà máy may mặc QMI, Trung tâm thương mại VinGroup, Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Ausfeed, Nhà máy chế biến trái cây Injae v.v..

Ngoài ra, Đồng Tháp còn tập trung xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ hàng hóa với các hệ thống phân phối lớn như Co.op Mart, Big C, Satra, Maximart, Hapro v.v. góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng gần 11% so với cùng kỳ.


Ông Trương Hòa Châu- Giám Đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp

Ông Trương Hòa Châu- Giám Đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết: “ Để có được kết quả trên, cùng với xác định vai trò hết sức quan trọng của doanh nghiệp trong chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút thêm nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài. Địa phương cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và thông thoáng để các nhà đầu tư có thể hoàn thành thủ tục sớm nhất, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, đáp ứng mặt bằng nhanh nhất, điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận với người dân về các vấn đề: bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, các nguồn tín dụng vay ưu đãi và tiếp cận các thị trường v.v.


Ông Nguyễn Văn Dương- Chỉ tịch UBND (đứng thứ 2 từ phải qua) nhận chứng nhận chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp

Năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp đứng thứ 02 cả nước. Thứ hạng PCI đã khẳng định Đồng Tháp là môi trường đầu tư lành mạnh cũng là thông điệp của tỉnh đến với các nhà đầu tư một cách trực tiếp nhất, từ đó giúp Đồng Tháp có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến và cơ hội phát triển kinh tế ngày càng cao. Góp phần vào sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung./.