Cuối năm 2015, dự án Nút giao lập thể tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5 và đường 390, tỉnh Hải Dương đã được khởi công.

Dự án xây dựng nút giao lập thể được thiết kế dạng bán hoa thị, chiều dài tuyến chính 7.132m, trong đó hạng mục chính là cầu vượt qua đường đường sắt và Quốc lộ 5 với chiều rộng mặt cầu là 12m, chiều dài 246m được xây dựng theo công nghệ mới: đúc trược tiếp trên hệ đà giáo, mố trụ BTCT đặt trên hệ cọc khoan nhồi.

Địa điểm xây dựng nút giao lập thể này nằm trên tuyến Quốc lộ 5 tại km57+170 với diện tích đất sử dụng khoảng 27,29 ha. Tổng mức đầu tư của Dự án 998 tỷ đồng được thực hện bằng nguồn vốn đầu tư của tỉnh, có hỗ trợ từ Trung ương.

Dự án do Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án là Tổng công ty 789 - Bộ Quốc Phòng.

Dự án được thực hiện theo công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ nhằm xóa bỏ điểm đen về tai nạn giao thông tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5 và đường tỉnh 390, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 5. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 370 ngày.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Dự án vẫn chưa hoàn thành theo hạn định.

Để giải quyết khó khăn trong việc thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ứng 88 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho tỉnh Hải Dương để thanh toán dứt điểm nợ khối lượng hoàn thành của Dự án.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để hoàn ứng theo đúng quy định.

UBND tỉnh Hải Dương chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo giá trị khối lượng hoàn thành của Dự án; đảm bảo quản lý, sử dụng số vốn được giao đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng quy định hiện hành.

Đối với việc triển khai hạng mục bổ sung đường gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng nối nút giao lập thể ngã ba Hàng với đường tỉnh 390B của Dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, hoàn thiện thủ tục điều chỉnh Dự án theo đúng quy định pháp luật.

Về cơ chế đầu tư hạng mục bổ sung, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng cơ chế của Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại văn bản số 1756/TTg-KTN ngày 30/9/2011 đối với hạng mục bổ sung đường gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng nối nút giao lập thể ngã ba Hàng với đường tỉnh 390B.

Còn về vốn, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục ứng theo tiến độ đối với phần vốn ngân sách trung ương của Dự án để thực hiện hạng mục bổ sung sau khi tỉnh Hải Dương hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, bố trí vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để hoàn ứng theo đúng quy định./.