Cụ thể là, tính đến ngày 20/08/2016, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 34.724 tỷ đồng, so với tháng 12/2015 giảm 16.165 tỷ đồng (giảm 31,77%); so với thời điểm 20/7/2016 giảm 1.234 tỷ đồng. Trong đó, lượng tồn kho chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền tại các dự án xa trung tâm, chưa có hạ tầng đầy đủ.

Trong tháng 08/2016, lượng giao dịch có dấu hiệu chững lại. Tại Hà Nội, có khoảng 1.200 giao dịch (tương đương tháng 07/2016), chủ yếu tập trung tại những dự án nhà ở trung và cao cấp; tại TP. Hồ Chí Minh, lượng giao dịch thành công chững lại, tập trung tại phân khúc căn hộ cao với mật độ xây dựng thấp. Nguyên nhân chính là do tâm lý kiêng mua nhà trong tháng 7 âm lịch, bởi theo quan niệm của người Việt Nam đây là tháng ngâu (tháng cô hồn).

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý. Cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ; có 96 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 44.700 căn hộ xin điều chỉnh thành 60.000 căn hộ (tăng 15.300 căn hộ).

Vê tình hình giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 08/2016, tổng số tiền đã cam kết là 35.025 tỷ đồng, đã giải ngân 28.3563 tỷ đồng. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân: ký hợp đồng cam kết cho vay 56.491 hộ với số tiền là 27.705 tỷ đồng, đã giải ngân 55.654 hộ với số tiền là 22.989 tỷ đồng; đối với tổ chức, doanh nghiệp: cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.320 tỷ đồng, đã giải ngân 60 dự án với dư nợ là 5.367 tỷ đồng.

Về dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 30/06/2016 đạt 425.025 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2015 và giảm 0,61% so với thời điểm 31/05/2016./.