Hội thảo do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg tổ chức ngày 15/09/2016.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, nhưng nông nghiệp Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập.

Tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên mức độ thâm dụng các vật tư cho sản xuất và chi phí lao động rẻ. Nông nghiệp phát triển chưa được bền vững và tốc độ tăng trưởng có biểu hiện sức cạnh tranh còn thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất.

Theo ông Trịnh Ngọc Thái, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, với khoảng 70% dân số là nông dân, nông nghiệp luôn là một lĩnh vực vô cùng quan trọng, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, chiếm gần 20% GDP của cả nước. Hội nhập kinh tế nói chung và hội nhập kinh tế ASEAN nói riêng đã mang lại những lợi ích và cơ hội đáng kể cho nông dân, cho nền nông nghiệp Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN nói chung. Đó là mở rộng thị trường xuất khẩu, tự do mậu dịch, thu hút vốn đầu tư, trao đổi khoa học - công nghệ... Tuy nhiên, hội nhập cũng đặt ra những khó khăn, thách thức ngày càng lớn và người nông dân nằm trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Lê Quốc Doanh Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội thảo

Giám đốc văn phòng RLS Đông Nam Á, bà Liliane Danso Dahmen cho rằng quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa trong những năm gần đây đã đặt ra nhiều thách thức cho phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mang lại cơ hội các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nhưng cũng đặt ra những thách thức khác nhau. Nông dân vẫn nằm trong những đối tượng chịu thách thức nhiều nhất và đầu tư trong nông nghiệp vẫn còn hạn chế.

Trong khi đó, sự lệ thuộc vào các giống nhập khẩu, phương thức canh tác lạc hậu, quá trình hợp tác giữa các đối tác trong sản xuất là quá trình ảnh hưởng tới phát triển bền vững của nông nghiệp.

Để hội nhập với ASEAN, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, thời gian tới ngành nông nghiệp cần thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc tái cơ cấu nền nông nghiệp cần tập trung mạnh vào tái cơ cấu đầu tư công và dịch vụ công trong nông nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh vùng, địa phương.

Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm chủ lực, gắn kết với ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất và giảm giá thành. Xây dựng môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn cũng là một trong những mục tiêu cần chú trọng và đặc biệt quan tâm.

“Ngoài ra, Việt Nam cần tổ chức tốt khâu sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, cần tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất, thúc đẩy các hình thức liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp. Đồng thời, cần cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, tăng cường chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đẩy mạnh các hình thức liên kết công tư trong nông nghiệp”,Thứ trưởng nhấn mạnh thêm.

Ông Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, để thúc đẩy hợp tác lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp trong khu vực cần tiếp tục xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn chung về chất lượng, an toàn; xây dựng các giải pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, áp dụng chung cho khu vực và doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong sản xuất,kinh doanh.

Ngoài ra, để thúc đẩy hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cần đẩy mạnh liên kết đầu tư, kinh doanh tận dụng các cơ hội khác từ Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); thúc đẩy hợp tác đầu tư, chuyển gia công nghệ, chu chuyển lao động; thông tin thị trường, định hướng đầu tư…/.