Chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ngành đường sắt đang được Nhà nước giao cho sử dụng khối hạ tầng gồm hơn 3.000 km đường sắt, 287 nhà ga... với tổng quỹ đất khoảng 6.000 ha. Tuy nhiên, năng lực vận tải hiện đạt rất thấp, chỉ khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa. Năng lực và hiệu quả khai thác hạ tầng đường sắt cũng chỉ khoảng 350 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nhiều năm nay, mỗi năm ngân sách nhà nước vẫn rót vào ngành đường sắt khoảng 1.200 tỷ đồng để thực hiện bảo trì. Chưa kể, Nhà nước vẫn bao cấp về đất cho ngành đường sắt, dù đất sử dụng cho mục đích kinh doanh cũng không thu tiền (Phan Trang, 2016).

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có rất nhiều, trong đó phải kể tới các cơ chế, chính sách trong quản lý. Những năm qua, hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đã tạo điều kiện cho sự phát triển, song vẫn mang tính chất quản lý chuyên ngành, chưa phân định rõ quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu tài sản kết cấu hạ tầng với đối tượng được giao sử dụng; trong khi chưa có quy định cụ thể về cơ chế tài chính tạo “cơ chế mở” thu hút đầu tư, khai thác.

Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) ngày 12/9/2016, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong 15 năm qua, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng lĩnh vực giao thông đường sắt vẫn phát triển chậm nhất. Chủ thể chính của ngành đường sắt là Bộ Giao thông Vận tải vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Nếu xem xét kỹ, thì Bộ Giao thông Vận tải vừa quản lý nhà nước, vừa đại diện vốn chủ sở hữu, lại vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng lẫn kinh doanh vận tải. Việc không tách bạch các chức năng này chính là điểm mấu chốt dẫn đến “bất cập” trong hoạt động kinh doanh đường sắt (Thu Giang, 2016).

Ngoài nguyên nhân trên thì, một nguyên nhân khác khiến hiệu quả kinh doanh của ngành đường sắt kém, đó là do kết cấu hạ tầng ngành đường sắt đang rất lạc hậu, khiến thời gian và giá cước vận tải tăng cao. Xảy ra tình trạng này là do công tác xã hội hóa nhằm phát triển hạ tầng của ngành đường sắt đang rất kém, thấp nhất so với 3 loại hình vận tải khác là đường hàng không, đường bộ và kể cả đường thủy nội địa.

Ngành đường sắt đang thụt lùi so với các loại hình kinh doanh vận tải khác

Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực của tư nhân

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải tại hội thảo Tham vấn dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt vào ngày 08/06/2016, nhu cầu vốn phục vụ bảo trì hạ tầng đường sắt tính đến năm 2020 khoảng 10 tỷ USD; nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đường sắt mới theo Chiến lược phát triển đến năm 2030 đã được phê duyệt cần khoảng 100 tỷ USD. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần phải tập trung vào phát triển để khai thác tiềm năng, thế mạnh của ngành đường sắt, trong đó các cơ chế quản lý cần được thay đổi để thu hút nguồn lực từ tư nhân.

“Đối với những tuyến đường khai thác không hiệu quả nhưng vẫn phải duy trì thì Nhà nước cần phải hỗ trợ tối đa nguồn lực, kể cả hỗ trợ 100% việc duy tu; đối với những tuyến có thể kinh doanh tốt thì Nhà nước sẽ không hỗ trợ 100% mà đơn vị kinh doanh cần phải kinh doanh tối đa hạ tầng để bù đắp các chi phí đầu tư. Đối với kết cấu hạ tầng đường sắt, cái gì Nhà nước đầu tư thì Nhà nước sẽ quản lý, như: ga, đường ray… còn lại sẽ tiến hành thu hút đầu tư từ tư nhân”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – Nguyễn Ngọc Đông cho biết (PV, 2016).

Bên cạnh đó, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, đơn vị đang rất quan tâm đầu tư các dự án nhượng quyền khai thác đường sắt, các dự án đường sắt thường có vốn đầu tư rất lớn, thậm chí lớn hơn nhiều so với các dự án đường bộ. Cùng với đó, đặc thù của các dự án đường sắt là thu hồi vốn rất chậm, kéo dài trong nhiều năm. Do đó, để thu hút được các nhà đầu tư và các dự án được triển khai thuận lợi, cần có sự tham gia và hỗ trợ của phía Nhà nước.

“Mô hình phù hợp và khả dĩ nhất với các dự án đường sắt là triển khai theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân. Nhà nước có thể bỏ tiền hỗ trợ phần giải phóng mặt bằng, kết cấu hạ tầng, còn các nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền xây dựng nhà ga, mua sắm trang thiết bị khai thác và những phần phụ trợ”, ông Hoàng đề xuất (Phan Trang, 2016).

Vấn đề làm thế nào để phát triển đường sắt cũng được đưa ra thảo luận tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, thì cần ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích cho tư nhân vào đầu tư, kinh doanh.

“Tôi ủng hộ chủ trương tách bạch giữa quản lý và kinh doanh đường sắt, đồng thời đề nghị Luật sửa đổi cần theo hướng đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích cho tư nhân vào kinh doanh lĩnh vực này”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc kiến nghị.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng, ngành đường sắt cần điều chỉnh lại biểu đồ chạy tàu phù hợp, áp dụng các biện pháp để tăng tính cạnh tranh nhằm tăng sản lượng, doanh thu như theo sát biến động thị trường đặc biệt giá nhiên liệu, giá của các phương thức vận chuyển khác để điều chỉnh giá cước hợp lý, nâng cao chất lượng phương tiện vận tải, đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa và tăng cường các hoạt động tiếp xúc với khách hàng, chủ hàng lớn để đưa ra chính sách giá phù hợp thu hút khách vận chuyển bằng đường sắt…/.

Tham khảo từ:

1. Phan Trang (2016). Phát triển ngành đường sắt: Cần cả Nhà nước và tư nhân, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Phat-trien-nganh-duong-sat-Can-ca-Nha-nuoc-va-tu-nhan/254394.vgp

2. PV (2016). Đổi mới cơ chế, hướng tới xã hội hóa hạ tầng đường sắt, truy cập từ http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/doi-moi-co-che-huong-toi-xa-hoi-hoa-ha-tang-duong-sat-82705.html

3. VOVGT (2016). Khó khăn trong công tác thực hiện xã hội hóa ngành đường sắt, truy cập từ http://vovgiaothong.vn/giao-thong-do-thi/kho-khan-trong-cong-tac-thuc-hien-xa-hoi-hoa-nganh-duong-sat/188138