Theo Đề án này, lộ trình nhằm hạn chế xe máy trên địa bàn Thành phố chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2: Từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2 đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).

Giai đoạn 3: Đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.

Đề xuất hạn chế xe máy đang nhận nhiều thông tin trái chiều

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải cho rằng, lộ trình Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đặt ra từ nay đến năm 2025 hạn chế xe cá nhân gồm cả ô tô, xe máy là chưa hợp lý, thay vào đó chỉ nên hạn chế xe vào giờ cao điểm.

“Tính đến mốc 2025 lộ trình chỉ còn gần 10 năm nữa thì vận tải công cộng của Hà Nội chưa thay đổi được nhiều. Trong khi xe buýt đang thụt lùi về tăng trưởng số lượng hành khách, dự án đường sắt đô thị thì “dậm chân tại chỗ”. Đến năm 2020-2025 chỉ mong tăng gấp đôi vận tải công cộng, tức khoảng 20%-25%, không thể bảo đảm các mục tiêu như dự thảo Đề án đưa ra”, ông Thủy phân tích (Phan Trang, 2016).

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, nếu cấm phương tiện cá nhân thì vận tải công cộng sẽ phải đảm nhận việc kết nối, di chuyển của người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tốc độ phát triển của vận tải công cộng quá chậm.

“Tuyến buýt nhanh BRT trên địa bàn Hà Nội nhiều năm vẫn chưa thể vận hành, tuyến đường sắt trên cao thí điểm Cát Linh - Hà Đông của Bộ Giao thông Vận tải, cũng như tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội của Hà Nội xây dựng ì ạch 6 năm chưa xong. Không có giao thông công cộng thì làm sao tính hạn chế được người dân sử dụng xe cá nhân. Do vậy, cần phải có một lộ trình phù hợp” ông Thủy phân tích.

Trao đổi với Báo điện tử VOV, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, chủ trương đưa phương tiện vận tải công cộng thay thế các phương tiện cá nhân là việc cần thiết phải làm. Tuy nhiên, cách làm thế nào cần phải nghiên cứu trực tiếp và thực tiễn. Nó phải đảm bảo các yếu tố thực tiễn hợp với tình hình của nhân dân đang sử dụng các phương tiện cá nhân thế nào và cách thức thay thế. Tức là phát triển vận tải hành khách công cộng trước hay loại phương tiện cá nhân để có cơ hội phát triển vận tải hành khách công cộng. Đây là vấn đề cần phải suy nghĩ.

Theo ông Tạo, triển khai đề án cần đầu tư khoa học, không chỉ nghĩ đến một chiều mang tính giáo điều áp đặt thì không có hiệu quả mong muốn mà khi đó lại mang đến “chấn động” xã hội những ý kiến trái chiều.

“Phải nhìn nhận thực tại rằng, phương tiện xe máy là “miếng cơm manh áo” của rất nhiều người dân, gia đình. Vấn đề quan trọng là phải giải quyết trước được đời sống của những con người đang kiếm sống bằng xe máy nếu không giải quyết được điều đó thì có cấm người ta vẫn cứ đi”, ông Tạo phân tích.

Trao đổi với Kênh VOV Giao thông Quốc gia, Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đây là thách thức không nhỏ của Hà Nội trong quá trình phát triển giao thông đô thị. Từ nay đến năm 2025, không thể chỉ cấm riêng xe máy mà ô tô cũng phải hạn chế hoạt động. Mật độ ô tô hiện nay quá dày đặc, đặc biệt là taxi, vì vậy, không thể cấm mà chỉ có thể điều tiết trong giờ cao điểm (Hoài Lam, 2016).

“Với lộ trình, đặt ra mục tiêu 10 năm sẽ hạn chế xe máy, tôi thấy đó là đột phá của lãnh đạo thành phố Hà Nội nhiệm kỳ này. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Chủ trương này phải có lộ trình, hai là có giải pháp để thực hiện. Giải pháp là quan trọng, vì nếu mà cứ đề ra chủ trương nói rất hay mà không có giải pháp cụ thể thì cũng chỉ là đánh bóng tên tuổi mà thôi”, ông Liên nói.

Trước những ý kiến trái chiều về đề xuất cấm xe máy, ông Lê Đỗ Mười – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn nghiên cứu Đề án cho biết, việc hạn chế xe máy là có lộ trình. Cụ thể, khi nào phương tiện vận tải công cộng được nâng lên lúc đó mới hạn chế xe cá nhân. Vì vậy, trước hết phải tập trung phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt cho phù hợp với nhu cầu và kịch bản hạn chế xe cá nhân. Mục tiêu của đề án không phải là cấm xe cá nhân mà là quản lý và hạn chế để phù hợp với tình hình giao thông (Viết Long, 2016).

Đồng thời, ông Mười cũng cho biết, việc hạn chế xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội là học hỏi kinh nghiệm từ các TP Quảng Châu, Bắc Kinh của Trung Quốc và một số nước khác, như: Thái Lan, Singapore. /.

Tham khảo từ:

1. Phan Trang (2016). Muốn cấm xe máy phải phát triển được giao thông công cộng, truy cập từ http://baodientu.chinhphu.vn/Doi-song/Muon-cam-xe-may-phai-phat-trien-duoc-giao-thong-cong-cong/287070.vgp

2. Hoài Lam (2016). Lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân liệu có khả thi?, truy cập từ http://vovgiaothong.vn/giao-thong-do-thi/lo-trinh-han-che-phuong-tien-ca-nhan-lieu-co-kha-thi/218105

3. Đỗ Hưng (2016). Hà Nội cấm phương tiện cá nhân: Cần nhìn “miếng cơm manh áo” người dân, truy cập từ http://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-cam-phuong-tien-ca-nhan-can-nhin-mieng-com-manh-ao-nguoi-dan-552152.vov

4. Viết Long (2016). Cấm cửa xe ngoại tỉnh là phân biệt đối xử, truy cập từ http://plo.vn/thoi-su/cam-cua-xe-ngoai-tinh-la-phan-biet-doi-xu-653720.html