Theo ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nay tình hình sản xuất phân bón giả nhãn mác, bao bì các thương hiệu nổi tiếng không bảo đảm về chất lượng đang nở rộ gây bức xúc, thiệt hại cho bà con nông dân.

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước có từ 800-1.000 cơ sở sản xuất mặt hàng này. Trong đó, gần 50% số mẫu phân bón được kiểm tra không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký, công bố trên bao bì. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở quy định pháp luật về tổng chất lượng dinh dưỡng, mập mờ hàm lượng trên vỏ bao bì... gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.

Chỉ ra hàng loạt các vụ vi phạm trong kinh doanh phân bón giả bị phát hiện, ông Thúy cho biết, Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì phân bón NPK với hàm lượng dinh dưỡng 53% nhưng khi kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%; Công ty CP Quốc tế Đông Trung đăng ký hàm lượng dinh dưỡng phân NPK trên giấy phép cũng là 53% nhưng kiểm định chỉ có 8,2%...

Đáng chú ý, một số công ty kinh doanh phân bón không khác gì đem đất bán cho nông dân bởi hàm lượng dinh dưỡng trong phân khi kiểm tra quá thấp. Đơn cử như Công ty Đông Hải (Đà Nẵng) kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng phân NPK chỉ có gần 3%; Công ty CP Đầu tư khoa học kỹ thuật và Công nghệ Việt Pháp Hà Nội kiểm định dinh dưỡng trong phân bón NPK chỉ có 1,9%, còn lại toàn là bột đá vôi…

“Hiện nay, thị trường phân bón trong nước sản xuất tự phát, nơi nào làm được thì cứ làm, chưa có một cuộc cách mạng lập lại trật tự. Sản phẩm giả không chỉ xuất hiện trong cơ sở sản xuất phân bón, đại lý kinh doanh mà còn len lỏi vào cả phòng kiểm nghiệm, kiểm định”, ông Thuý cho biết thêm.

Đứng về góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện thị trường Việt Nam có khoảng 5.700 sản phẩm phân bón, trong khi các nước trên thế giới chỉ có khoảng 300 sản phẩm. Vì có quá nhiều sản phẩm nên dù là người có chuyên môn trong nhiều trường hợp cũng không thể nhận biết được phân bón thật – giả trên thị trường.

“Nói vậy để thấy mức độ làm giả của các đối tượng rất tinh vi, nhưng chế tài xử phạt hiện quá nhẹ. Chưa kể quy định thế nào về phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn chưa rõ ràng giữa các bộ, ngành... khiến nông dân phải đối diện với ma trận phân bón trên thị trường” ông Cường cho biết thêm.

Về chính sách, ông Cường cho hay: "Theo quy định của Nghị định 185/2013 về xử phạt các hành vi buôn bán hàng giả và Nghị định 115/2016 của Chính phủ về xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả thì, phân bón giả chỉ được xác định khi 30% số phân bón được khẳng định giả và 70% số phân bón kém chất lượng. Nhưng, ở các nước 10% phân bón giả đã xác định là phân bón giả rồi. Cơ chế xử phạt vừa thấp và yếu, do đó khó ngăn chặn phân bón giả. Nếu chúng ta có những chế tài xử phạt nghiêm minh thì không doanh nghiệp nào dám làm phân bón giả nữa".

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Cường khẳng định, tại Nghị định 202 của Chính phủ, phân bón vô cơ thuộc trách nhiệm cấp phép, quản lý của Bộ Công Thương, còn phân bón hữu cơ thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

“Việc chồng chéo hai cơ quan quản lý nhà nước khiến cho cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, khi doanh nghiệp đăng ký hội thảo về phân bón, đại lý, cửa hàng bán phân bón đăng ký giấy phép thì phải chạy đi cả hai bộ để xin giấy phép, điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp” ông Cường nhấn mạnh thêm.

Ông Nguyễn Hạc Thúy cho biết, theo Luật Sửa đổi, bổ sung 1 số điều của các Luật về thuế, số 71/2014/QH13, ngày 26/11/2014 nêu rõ, nông dân được giảm thuế VAT 5% khi mua phân bón trong khi đó các doanh nghiệp kinh doanh phân bón khi mua nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất thì không được khấu trừ từ thuế VAT nên buộc doanh nghiệp sản xuất phải cộng vào giá thành, dẫn đến giá phân bón cao hơn và người nông dân phải chịu. Không những vậy, Luật 71/2014/QH13 cũng góp phần dẫn đến việc phân bón nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn vào trong nước.

Đưa ra giải pháp nhằm góp phần lập lại thị trường phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng đại diện các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 202/2013/NĐ-CP, Thông tư 41 và 29 về quản lý phân bón theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương khi để xảy ra những vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng... Đặc biệt để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo lợi ích cho người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước các đại biểu kiến nghị sớm sửa đổi Luật 71/2014/QH13.

Ngoài ra, cần kiện toàn và tổ chức lại hệ thống Trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định của hai bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương) về phân bón vô cơ và hữu cơ. Theo ông Cường cần sửa đổi Nghị định 202, trong đó giao cho 1 bộ thống nhất quản lý chung, không thể để quản lý mặt hàng phân bón mà hai bộ quản lý được. Để bộ nào quản lý cũng được, điều quan trọng nhất là quản lý đúng theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Hạc Thúy cho rằng cần tổ chức đợt tổng kiểm tra hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón toàn quốc, từ đó đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả trong thời gian tới. Cương quyết xóa sổ những đơn vị không đủ điều kiện quy định để góp phần lập lại thị trường phân bón. Bên cạnh đó, cần tăng mức chế tài xử phạt đối với cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng./.