Xuất khẩu rau quả có nhiều khởi sắc

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vòng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu rau quả nói chung, đặc biệt là mặt hàng trái cây đã có sự gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2005, rau quả có mặt ở 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt kim ngạch trên 235 triệu USD, thì đến năm 2015, số thị trường thâm nhập được đã tăng lên hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ 800 triệu USD, tăng 123% so với năm 2014 và tăng 782% so với năm 2005.

Dẫn lời Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Thu hút đầu tư nông nghiệp bằng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 16/9/2016, từ tháng 6/2016 tới nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành rau quả rất tốt, bình quân chung, tăng trưởng 37%/tháng. Năm 2016, có khả năng giá trị xuất khẩu rau quả sẽ lần đầu tiên vượt qua mặt hàng gạo, đạt khoảng 2,5-2,6 tỷ USD, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Trong 8 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đã đạt 1 tỷ 700 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến 9 tháng thì rau quả vọt lên 1,811 tỷ USD, suýt soát cả năm 2015 (1,859 tỷ USD). Tại thời điểm này, rau quả đứng thứ ba trong số 9 mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn.

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng không những trở thành động lực thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia đầu tư mà còn giúp nông dân tăng thêm thu nhập và thay đổi nhận thức trong tổ chức sản xuất với các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…

Các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền quảng bá, xây dựng thương hiệu, liên kết giữa vùng sản xuất với trung tâm tiêu thụ, giữa trong nước với nước ngoài, trái cây Việt Nam đang khởi sắc trên nội địa và xuất ngoại.

Sau những các chuyến xuất ngoại thành công của xoài, thanh long, vải thiều, nhãn, chuối xanh vào được những thị trường đẳng cấp cao, mới đây lại có tin trái vú sữa từ quý IV/2016 sẽ rộng đường vào Hoa Kỳ. Đây là những tín hiệu vui.

Bên cạnh những thị trường truyền thống, thời gian qua ngành rau quả cũng tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường “khó tính” đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Niu-di-lân... Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, quả vải thiều của Việt Nam đã đến được thị trường Australia, Mỹ và xoài Việt Nam cũng đã có mặt tại Australia.

Mặc dù đạt được kết quả khả quan, nhưng theo các chuyên gia rau quả xuất khẩu của Việt Nam còn có những hạn chế. Thị trường xuất khẩu tuy đã mở rộng, nhưng vẫn còn tập trung chủ yếu vào thị trường, nhất là Trung Quốc, giống như “bỏ trứng vào một giỏ”. Điều này sẽ khiến rau quả xuất khẩu dễ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, kỹ thuật làm vườn, bảo quản chưa đồng loạt theo đúng quy chuẩn.

Rau quả trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam

Để giữ vững thị trường xuất khẩu

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả rất tiềm năng, nhưng muốn xuất khẩu bền vững thì Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, bám sát những quy định nhập khẩu của các thị trường (Hữu Vinh, 2016).

Bên cạnh đó, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn, đảm bảo an toàn. Các doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư công nghệ sơ chế bảo quản rau quả tươi với các quy mô khác nhau, đặc biệt chú trọng quy mô vừa và nhỏ. Kết hợp công nghệ bảo quản truyền thống với tiên tiến hiện đại trong điều kiện Việt Nam.

Ngoài ra, tận dụng tối đa công suất của các nhà máy chế biến rau quả hiện có, đa dạng hóa sản phẩm để cải thiện công suất hoạt động của các nhà máy chế biến công nghiệp, sử dụng triệt để các phẩm cấp khác nhau của nguyên liệu và phế phụ phẩm để hạ giá thành sản phẩm.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng tiềm năng xuất khẩu rau quả còn rất lớn trong tương lai. Thị trường rau quả chế biến toàn cầu năm 2014 đạt khoảng 203 tỷ đô la và có mức tăng trưởng 7,9%/năm, dự báo sẽ đạt 319 tỷ đô la vào năm 2020. Có thể thấy giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam dù đang tăng trưởng mạnh nhưng còn khá khiêm tốn so với nhu cầu.

“Thị trường rau quả thế giới đang phát triển mạnh với nhu cầu cao. Bây giờ nông dân đã bắt đầu nhận thức và thay đổi tập quán canh tác, áp dụng các mô hình sản xuất Thực hành Nông nghiệp Tốt(Viet Gap) an toàn qua đó giúp gia tăng thêm giá trị cho nông sản. Ngành rau quả rất có tiềm năng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt khi có sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp với công nghệ cao, giống mới chất lượng của các Viện nghiên cứu và nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến những yếu tố này sẽ đưa lại thành công cho ngành rau quả” - Trần Đình Long nói (Minh Long, 2016).

Ngoài ra, cần phải thực hiện các biện pháp cơ bản như diệt khuẩn bằng chiếu xạ, xử lý nhiệt, phải trồng và chăm sóc theo các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP. Đồng thời, quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu cho từng thị trường, từng hợp đồng xuất khẩu, đảm bảo xuất xứ địa lý của nhà vườn theo quy định./.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Duy Nghĩa (2016). Thời rau quả lên ngôi? http://laodong.com.vn/thi-truong/thoi-rau-qua-len-ngoi-597535.bld

Minh Long (2016). Đầu tư chiều sâu, tạo tính bứt phá cho rau quả xuất khẩu, truy cập từ http://vov.vn/kinh-te/thi-truong/dau-tu-chieu-sau-tao-tinh-but-pha-cho-rau-qua-xuat-khau-553061.vov

Hữu Vinh, Đoàn Hùng, Khánh Linh (2016). Xuất khẩu rau quả tăng trưởng ngoạn mục, truy cập từ http://baotintuc.vn/thi-truong/xuat-khau-rau-qua-tang-truong-ngoan-muc-20160926221829545.htm