Theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong 5 năm qua (2010-2015) chương trình xây dựng NTM đã thay đổi bộ mặt của nông thôn. Đến tháng 3/2016, cả nước có 1.761 xã (chiếm 19,7% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, có 1.223 xã đạt từ 15- 18 tiêu chí; 3.355 xã đạt từ 10- 14 tiêu chí; 2.270 xã đạt từ 5- 9 tiêu chí và 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân tiêu chí/xã: 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đến tháng 9/2016, đã có 2.045 xã chiếm 23% đạt tiêu chí nông thôn mới, có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới.

Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng NTM được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014- 2016 là 15.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên nợ đọng trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM đang là câu chuyện thời sự ở nhiều địa phương. Tính đến ngày 31/01/2016 số nợ đọng của các địa phương khoảng 15.277 tỷ đồng, trong đó 03 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh 1.631 tỷ đồng, Thanh Hóa 1.547 tỷ đồng, Thái Bình 1.232 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 919 tỷ đồng, Nghệ An 887 tỷ đồng, Hải Dương 879 tỷ đồng, Ninh Bình 770 tỷ đồng, Hà Nam 757 tỷ đồng … Đáng chú ý, tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước. Khu vực có số nợ đọng lớn nhất chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước trong đó Đồng bằng sông Hồng chiếm 55,2% số nợ đọng.

Tính đến ngày 31/01/2016, số vốn nợ đọng của các địa phương khoảng 15.277 tỷ đồng

Cụ thể hơn, 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã).

Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn đến 31/01/2016 là 7.157,7 tỷ đồng (chiếm 46,9% số nợ đọng cả nước), có 1.147 xã đạt chuẩn (chiếm 62,5%) nợ đọng với mức nợ bình quân khoảng 6,24 tỷ đồng/xã.

Nguyên nhân chính được Báo cáo chỉ ra là do áp lực về tiêu chí, thậm chí chạy theo tiến độ, dẫn đến nhiều hạng mục công trình phải làm gấp, vượt dự toán của địa phương. Bên cạnh đó, do nôn nóng chạy theo mục tiêu đạt chuẩn NTM, nhiều địa phương đã kêu gọi doanh nghiệp ứng vốn trước trong khi nguồn vốn huy động từ xã hội không như mong đợi đã gây nợ đọng.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, Báo cáo nêu rõ các địa phương cần rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn. Đồng thời, các địa phương không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án nông thôn mới khi chưa được bố trí vốn. Không xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nếu không xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản trong vòng 01 năm kể từ khi công nhận thì đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại việc công nhận./.